- Năm 1999, Bỉ phải tiêu hủy gần 100 nghìn tấn thịt vì nhiễm độc. Cuộc khủng hoảng đã dẫn đến việc cải tổ toàn bộ hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của nước này.
Câu chuyện được chia sẻ tại tọa đàm về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm do Đại sứ quán Bỉ tổ chức hôm nay. Đại sứ Bỉ, bà Jehanne Roccas, mở đầu bằng chia sẻ rằng dù mới đến VN 7 tháng, bà dễ dàng nhận ra đây là quan tâm hàng đầu của người VN.
"Ngày nào cũng có một đồng nghiệp hay bạn bè nói với tôi về nỗi lo về thực phẩm không an toàn. Đọc báo, xem truyền hình cũng có thể thấy đây đã trở thành một trong những ưu tiên chính trị của Chính phủ mới", bà Jehanne nói.
Theo bà, người Bỉ có thể hiểu tâm trạng này vì chính họ đã từng rơi vào một cuộc khủng hoảng năm 1999, khiến Bỉ bị tổn hại nghiêm trọng về kinh tế và uy tín quốc gia.
Đại sứ Bỉ Jehanne Roccas (trái) và chuyên gia Leslie Lambregts |
Ông Leslie Lambregts, chuyên gia đến từ Cơ quan LB Bỉ về an toàn thực phẩm (FASFC) kể rõ hơn: Chỉ từ một sự cố nhỏ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, hàng ngàn trang trại ở Bỉ bị nhiễm chất độc mang dioxin.
Hơn 96 nghìn tấn thịt lợn, bò, gia cầm bị tiêu hủy, thiệt hại gần 500 triệu euro. Hai Bộ trưởng Y tế và Nông nghiệp phải từ chức, thương hiệu nông sản Bỉ bị nghi ngờ.
Sự chậm trễ trong quá trình làm sáng tỏ vụ việc, mất gần nửa năm để tìm ra nguồn gốc chất độc, là nguyên nhân đẩy sự cố đến mức khủng hoảng, ông Lambregts cho biết. Trong đó có việc thông tin chồng chéo và không đầy đủ từ các cơ quan liên quan.
Nhưng chính cuộc khủng hoảng đã dẫn đến quyết tâm chính trị phải thay đổi cách quản lý thực phẩm ở Bỉ. Trước mức độ nghiêm trọng của vấn đề, các cơ quan nhà nước Bỉ sẵn sàng đón nhận những thay đổi toàn diện về tổ chức.
FASFC ra đời, trở thành đầu mối thống nhất, tập hợp các cơ quan giám định từ nguyên liệu đến thú y, từ thực vật đến động vật, vốn nằm rải rác ở hai Bộ Y tế và Nông nghiệp. Chỉ còn một bộ trưởng duy nhất phụ trách sự an toàn của toàn bộ chuỗi thực phẩm.
Nguyên tắc quan trọng nhất của cơ quan này là sự minh bạch, ông Lambregts nhấn mạnh. FASFC xây dựng tiêu chuẩn cho tất cả các khâu, chịu trách nhiệm cấp phép, phê duyệt cơ sở sản xuất kinh doanh, giám sát các mắt xích trong chuỗi từ nguyên liệu, sơ chế, chế biến, bảo quản đến phân phối...
FASFC dựa trên việc giám định định kỳ và đột xuất để đánh giá rủi ro một cách độc lập, nhằm phản ứng nhanh nhất có thể khi có sự cố. Các kết quả giám định đều được công khai.
Bỉ khuyến khích, thậm chí tặng thưởng các cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng hệ thống tự kiểm tra và được nhà nước chứng nhận.
Kinh phí hoạt động của FASFC là từ ngân sách liên bang. Kinh phí cho các hoạt động kiểm soát là từ tiền thuế của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Tiền phạt đối với các cơ sở vi phạm cũng trở thành kinh phí cho cơ quan này.
Người tiêu dùng được đặt ở vị trí trung tâm trong hoạt động của FASFC. Các khiếu nại hay nghi vấn của khách hàng đều qua FASFC xem xét. Cơ quan này cũng tiến hành khảo sát với chính nhân viên của mình để đảm bảo mọi đối tượng công chúng đều tin tưởng vào thực phẩm nước mình sản xuất.
Sau 15 năm hoạt động của FASFC, chất lượng và độ an toàn của thực phẩm Bỉ trong nước và trên thế giới có lẽ không cần bàn cãi.
Trao đổi với các đồng nghiệp VN, ông Leslie Lambregts cho biết mô hình quản lý tập trung cho phép Bỉ chủ động kiểm soát mọi khía cạnh của an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông cũng thừa nhận do Bỉ là một quốc gia nhỏ, mô hình này đã chứng minh được hiệu quả. Trong trường hợp VN, các cơ quan liên quan không chỉ nằm ở bộ Y tế hay Nông nghiệp mà cả ở Bộ Khoa học công nghệ, Công thương, Công an..., việc điều hành thống nhất có thể là một thách thức.
Nhưng như chính các đại biểu VN chỉ ra, công nghiệp thực phẩm đang là ngành có nhiều tiềm năng cạnh tranh quốc tế nhất của VN, tìm ra cách để quản lý hiệu quả an toàn vệ sinh thực phẩm là điều trăn trở. Bài học của Bỉ là một quyết tâm chính trị, tinh thần sẵn sàng thay đổi khi đứng trước một cuộc khủng hoảng lớn.
Chung Hoàng