Ngày 25/7, Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp Tổ thông tin Đáp ứng nhanh chống Covid-19 thành lập mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” tập trung tư vấn, hỗ trợ các trường hợp F0 và có nguy cơ cao trở thành F0 đang cách ly tại nhà trên khắp cả nước.
Nhóm tập trung tư vấn cho các bệnh nhân Covid-19 cần hỗ trợ khẩn cấp hoặc trường hợp F0 nhưng chưa được đưa đến cơ sở y tế điều trị (do mới phát hiện hoặc do cơ sở quá tải).
Mạng lưới cũng tư vấn cho các trường hợp bệnh nhân có chỉ định theo dõi tại nhà sau điều trị ban đầu tại cơ sở y tế và trường hợp tiếp xúc có triệu chứng nhưng xét nghiệm gần nhất cho kết quả âm tính; trường hợp tiếp xúc nguy cơ cao vì ở chung trong không gian kín với bệnh nhân Covid-19.
“Đây là nhóm đối tượng dễ tổn thương do chưa biết tình trạng của mình ở mức độ nào, khi nào cần đi bệnh viện điều trị, chưa biết phải gọi cho chuyên gia y tế nào và ở đâu để hỏi ý kiến khi đang tự cách ly tại nhà. Họ cũng chưa liên hệ được cơ quan y tế khi trở bệnh nặng hơn nên dễ hoang mang, dẫn đến hoảng loạn. Vì vậy mạng lưới này ra đời để hỗ trợ các bệnh nhân và giúp ngành y tế bớt quá tải”, TS Lê Tuấn Thành, Phó chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ Hà Nội, phụ trách mạng lưới cho biết.
Mạng lưới ra đời trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 trên cả nước tăng thêm 7.000 - 8.000 ca/ngày và hiện số chưa khỏi bệnh lên tới hơn 76.000 bệnh nhân khiến nhiều cơ sở y tế bị quá tải, nhiều bệnh nhân F0 không thể nhập viện.
Mạng lưới kêu gọi 2.500 tình nguyện viên là các y bác sĩ đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, đang sinh sống ở Việt Nam hay trên khắp thế giới, các nhân viên y tế chuyên ngành y không phân biệt vị trí…
Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành sẽ đưa vào vận hành tổng đài kết nối trực tuyến, điều phối công việc theo thời gian thực cho các tình nguyện viên, giúp hàng ngàn y, bác sĩ có thể đồng thời tư vấn từ xa cho hàng ngàn bệnh nhân Covid-19 cùng lúc.
Các thành viên tham gia sẽ thăm hỏi, hướng dẫn các bệnh nhân chăm sóc sức khoẻ, tư vấn y tế, đánh giá tình trạng bệnh, sàng lọc và phân nhóm nguy cơ theo 5 mức độ (theo bảng hỏi), từ đó đưa ra các khuyến cáo theo mức độ như tiếp tục theo dõi tại nhà, nhập viện hay chuyển cấp cứu.
Trường hợp bệnh nhân có một triệu chứng nặng sẽ được thông báo cho đường dây nóng của quận, huyện và sẽ tiếp tục được nhân viên y tế theo dõi trong các ngày tiếp theo.
Hàng ngày, dữ liệu thông tin các ca bệnh xác định F0 hoặc trường hợp nghi nhiễm nguy cơ cao được gửi về mạng lưới và được nhập liệu vào công cụ quản lý. Dữ liệu này được lấy từ các nguồn CDC các tỉnh và trực tiếp từ cuộc gọi đến các đường dây nóng.
3 lần một ngày, tình nguyện viên trong mạng lưới sẽ chủ động gọi điện, tư vấn y tế và ghi chép tình trạng bệnh (nếu có) của các bệnh nhân. Đối với các trường hợp được xác nhận là nguy cơ cao, hệ thống công nghệ sẽ gửi cảnh báo tới các cơ quan y tế điều phối cấp cứu liên quan để tiếp nhận bệnh nhân.
Đăng ký tại: https://bit.ly/thaythuocdonghanh-dangky.
Số hotline của mạng lưới: 18001119. Riêng TP.HCM có thêm hotline 1022.
Thúy Hạnh
Bình Dương lập BV dã chiến điều trị Covid-19 lớn nhất nước với 6.000 giường
Tỉnh Bình Dương trưng dụng 30.000m2 nhà xưởng để thiết lập bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 quy mô 6.000 giường.