Một nội dung quan trọng trong phần những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để đưa đất nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới được nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội XIII là: “Xây dựng "thế trận lòng dân", thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) và thế trận an ninh nhân dân (ANND) vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”.

Trong bài: “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu lại những bài học kinh nghiệm, trong đó khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định "dân là gốc", thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân...”. Niềm tin của nhân dân chính là sức mạnh của Đảng, sức mạnh của “thế trận lòng dân”.

{keywords}
Ảnh minh họa

Nhìn lại lịch sử cách mạng Việt Nam, trong suốt chặng đường qua, phát triển quan điểm “lấy dân làm gốc”, Đảng ta chủ trương: Xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tại Nghị quyết Đại hội XI, Đảng ta chỉ rõ: “Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc”. Để tăng cường “thế trận lòng dân” đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng, văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền QPTD và nền ANND” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, quan điểm của Đảng ta về xây dựng “lòng dân” và “thế trận lòng dân” được thể hiện sâu sắc hơn một bước. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về vấn đề này. Đặc biệt, trước tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên mắc bệnh quan liêu, xa dân, để củng cố “thế trận lòng dân”, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Quy định số 08, yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chống độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn của nhân dân. Khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng có tính cốt tử của “lòng dân” và “thế trận lòng dân”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.

Cùng với khẳng định, nâng tầm “thế trận lòng dân” là một trong những sức mạnh nội sinh của dân tộc, văn kiện Đại hội XIII cũng nêu vấn đề này một cách rõ nét, toàn diện hơn, đó là: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền QPTD và nền ANND; xây dựng, củng cố vững chắc thế trận QPTD và thế trận ANND”. Điều này có nghĩa phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” phải gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, đặt trong nền QPTD và nền ANND; xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân phải gắn bó chặt chẽ với xây dựng, củng cố thế trận QPTD và thế trận ANND.

Mặt khác, văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: "Củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó QĐND là nòng cốt". Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Không phải đến bây giờ mà trong rất nhiều văn kiện Đảng ta đã khẳng định, xây dựng “thế trận lòng dân”, nền QPTD vững mạnh là nhiệm vụ không của riêng ai mà đó là sự nghiệp cách mạng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, trong đó QĐND là nòng cốt. Việc xây dựng QĐND-một đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” với vai trò nòng cốt của “thế trận lòng dân”, của nền QPTD cũng chính là thể hiện tư tưởng, quan điểm “dân là gốc” của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tuyết Nhung - Ảnh Văn Quý