Theo nội dung kế hoạch:

Cấp ủy, chính quyền các cấp cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác biên giới lãnh thổ quốc gia trong tình hình mới, nhất là theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các văn bản liên quan. Bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, sự phối hợp hiệu quả của các lực lượng trong tuyên truyền về công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới trên đất liền; tạo thuận lợi cho công tác phân giới, cắm mốc ở những nơi còn tồn đọng cũng như công tác quản lý biên giới trên đất liền.

Đổi mới và đa dạng hoá cả về nội dung, hình thức tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền trực quan, tuyên truyền đối ngoại về công tác biên giới trên đất liền. Tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, nhất là lực lượng ở cơ sở nhằm thường xuyên đổi mới các nội dung, hình thức, phương thức tuyên truyền, coi trọng chất lượng, hiệu quả và phù hợp với địa bàn, đối tượng. Triển khai linh hoạt và hiệu quả công tác tuyên truyền công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới trên đất liền trong thời gian tới, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh Covid-19.

Ảnh minh họa

Đối với tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc: Tiếp tục tuyên truyền các văn bản pháp lý về việc giải quyết, quản lý và bảo vệ biên giới Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là: Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ký ngày 30 tháng 12 nãm 1999); 03 văn kiện pháp lý: Nghị định thư về phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (ký ngày 18 tháng 11 năm 2009), Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (ký ngày 18 tháng 11 năm 2009), Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (ký ngày 18 tháng 11 năm 2009).

Tuyên truyền về kết quả triển khai sau hơn 10 năm hai nước ký kết 03 văn kiện pháp lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; công tác vận động người dân thực thi, hỗ trợ quản lý tuyến biên giới; về trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới, công tác bảo đảm an ninh, trật tự; các hoạt động giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, trao đổi giữa nhân dân hai bên biên giới...; tuyên truyền phòng, chống các hoạt động buôn người, buôn lậu, gian lận thương mại góp phần xây dựng đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về quản lý biên giới như: vượt biên, xuất cảnh trái phép, truyền đạo trái pháp luật, di cư tự do qua các vùng biên giới; tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới và quy định trong phòng chống dịch Covid-19. Kịp thời định hướng tuyên truyền về các hành vi lợi dụng công tác phòng, chống dịch Covid-19 vi phạm các thỏa thuận giữa hai nước liên quan biên giới.

Tăng cường thông tin đối ngoại về kết quả hợp tác phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới hai nước. Đồng thời, đấu tranh phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, xuyên tạc, kích động về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; củng cố, tăng cường xây dựng tình cảm đoàn kết, truyền thống gắn bó lâu đời giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là nhân dân sinh sống dọc tuyến biên giới hai nước.

Đối với tuyến biên giới Việt Nam – Lào: Tiếp tục tuyên truyền quan điểm của Việt Nam về vấn đề biên giới trên đất liền, việc thực hiện các Tuyên bố chung và Thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao; tuyên truyền về các văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến biên giới Việt Nam - Lào, trong đó có “Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào” và “Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào”; các thỏa thuận giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước; các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (05/9/1962 - 05/9/2022), 45 năm Ngày ký hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt Nam - Lào (19/7/1977 - 19/7/2022) và Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022.

Tuyên truyền về công tác quản lý biên giới hai nước; việc thực hiện thỏa thuận cấp Chính phủ về việc giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Triển khai Đề án Quy hoạch và phát triển cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến 2050 sau khi Thủ tướng phê duyệt; tổng kết song phương việc thực hiện thí điểm mô hình kiểm tra “một cửa một lần dừng” tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Đen Sa vẳn.

Tăng cường tuyên truyền động viên, khuyến khích đồng bào các dân tộc khu vực biên giới tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ đường biên, cột mốc, an ninh trật tự khu vực biên giới; đồng tình, ủng hộ các hoạt động kết nghĩa giữa các đồn biên phòng Việt Nam và lực lượng bảo vệ biên giới của Lào cũng như các cụm dân cư hai bên biên giới.

Thúc đẩy tuyên truyền, thông tin đối ngoại về tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa cư dân hai bên biên giới trong phòng, chống đại dịch Covid-19; hợp tác phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Tăng cường phổ biến cơ chế, chính sách ưu đãi trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới của các địa phương của hai nước đến các doanh nghiệp, người dân hai nước; cũng như các hoạt động giao thương gắn với các biện pháp bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia: Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia trên cơ sở quan hệ láng giềng, đoàn kết, hữu nghị, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Tập trung tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ký kết các văn bản pháp lý, công nhận thành quả 84% công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa và công tác quản lý tuyến biên giới theo các văn bản đã ký kết. Trong đó, nổi bật là thắng lợi của Nhân dân hai nước đạt được trong quá trình triển khai các văn bản pháp lý góp phần tạo sự đồng thuận, nhất trí của cán bộ, đảng viên và Nhân dân hai nước đối với các hoạt động bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới, đặc biệt là tạo thuận lợi cho công tác phân giới, cắm mốc 16% đoạn biên giới còn lại.

Tiếp tục tuyên truyền các văn bản pháp lý về việc giải quyết biên giới Việt Nam - Campuchia, trong đó có các hiệp định, hiệp ước về biên giới giữa hai nước như: Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Campuchia (ký ngày 18/2/1979); Hiệp ước về vùng nước lịch sử giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Campuchia (ký ngày 07/7/1982); Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Campuchia (ký ngày 20/7/1983); Hiệp ước về quy chế biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Campuchia (ký ngày 20/7/1983); Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Campuchia (ký ngày 27/12/1985); Hiệp ước giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 (ký ngày 10/10/2005); Các hoạt động kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24/6/1967 - 24/6/2022),...

Tăng cường tuyên truyền, thông tin đối ngoại về quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước, trong đó có quan hệ hợp tác giữa các địa phương khu vực biên giới trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh và quốc phòng. Thúc đẩy thông tin về kết quả hợp tác phát triển kinh tế khu vực biên giới giữa hai nước, đặc biệt là những chuyển biến tích cực sau khi đưa vào quản lý thực tế tuyến biên giới theo các văn kiện pháp lý mới.

Kịp thời thông tin về những vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới, đặc biệt ở các khu vực biên giới còn chưa được phân giới, cấm mốc để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời, phê phán, bác bỏ kịp thời các quan điểm sai trái, thông tin xuyên tạc về quan hệ hai nước, nhất là về vấn đề biên giới đất liền giữa hai nước.

Chú trọng tăng cường tuyên truyền trong đồng bào người Khmer sinh sống tại Việt Nam, qua đó lan tỏa đến người Khmer ở Campuchia và tạo sự đồng thuận, nhất trí với đội ngũ chức sắc tôn giáo có uy tín cao trong cộng đồng đối với các hoạt động bảo vệ đường biên, mốc giới, đặc biệt là công tác phân giới, cắm mốc 16% đoạn biên giới còn lại; giữ gìn, bảo vệ, củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia.

Tập trung tuyên truyền, thông tin đối ngoại, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới; các cơ chế chính sách và triển khai các biện pháp tạo môi trường thông thoáng nhằm thu hút mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp hai bên đầu tư vào khu vực biên giới, bao gồm: mở các chi nhánh ngân hàng của hai nước ở khu vực biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán biên mậu; đơn giản hóa các thủ tục hải quan, kiểm dịch,...; các hoạt động giao thương gắn với biện pháp bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.

Mạnh Hưng, Thanh Hùng, Thành Huế