Huyện Thới Bình (Cà Mau) có 11 xã và 1 thị trấn, với 95 ấp, khóm (trong đó, có 7 ấp đặc biệt khó khăn, thuộc 6 xã). Trên địa bàn huyện có đồng bào nhiều dân tộc thiểu số anh em sinh sống, trong đó đông nhất là bà con dân tộc Khmer.

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương hàng năm đều giảm. Đến đầu năm nay, huyện Thới Bình còn 678 hộ nghèo (chiếm 1,9%); 755 hộ cận nghèo (chiếm 2,12%). Trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số là 104 hộ chiếm tỷ lệ 5,25%, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số 116 hộ, chiếm tỷ lệ 6,32% tổng số hộ.

Tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, đầu năm nay xã còn 32 hộ nghèo, 76 hộ cận nghèo. Ngay từ đầu năm, UBND xã ban hành kế hoạch giảm nghèo bền vững, giao chỉ tiêu cho các ấp. Ban Giảm nghèo của xã phân công cụ thể từng thành viên phụ trách địa bàn ấp, kịp thời hướng dẫn hộ nghèo chí thú làm ăn.

Cấp uỷ, đảng viên, chi bộ và các ngành, đoàn thể xuống từng địa bàn phụ trách để nắm chắc từng hộ, nguyện vọng, nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo, sau đó Ban chỉ đạo xã cùng bàn bạc, thảo luận đề ra kế hoạch thực hiện xoá hộ nghèo đạt và vượt chỉ tiêu.

Hộ ông Nguyễn Văn Thuấn, ấp 1, là hộ mới thoát nghèo. Năm nay, nhờ được hỗ trợ 100 con vịt cùng 24 bao thức ăn, gia đình ông đã nuôi đàn vịt phát triển tốt và thu được hơn 10 triệu đồng. Từ bước đà này, ông đã gây đàn, nuôi thêm đàn vịt 80 con. Động lực từ chăn nuôi cũng giúp ông mạnh dạn trồng thêm rau màu, nuôi cá, trồng dừa... để tăng thu nhập, cuộc sống đủ đầy hơn trước.

Từ nguồn vốn được huyện hỗ trợ nguồn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xã Tân Lộc thực hiện hiệu quả các mô hình nuôi vịt xiêm và nuôi lợn thương phẩm với tổng nguồn vốn 800 triệu đồng, triển khai cho 37 hộ nghèo và cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Nhờ sinh kế này, những hộ như ông Thuấn rất phấn khởi, chí thú vươn lên. 

Do không đất sản xuất, lại bệnh tật, gia đình ông Trần Văn Tý ở ấp 2 chưa tìm được lối thoát hộ nghèo. Mới đây, ông được địa phương hỗ trợ xây dựng nhà, 5 con lợn giống và 35 bao thức ăn chăn nuôi, tổng trị giá gần 30 triệu đồng từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Có nhà kiên cố, có lối đi để mở cơ hội thoát nghèo, gia đình ông Tý có động lực vươn lên. Ngoài nuôi lợn, ông còn nuôi thêm gà và rắn ri tượng, quyết tâm thoát nghèo bền vững. 

Gia đình ông Tý là một trong 7 hộ được xã phối hợp với các ban, ngành huyện vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở. Tổng số tiền trợ giúp cho 7 hộ là gần 400 triệu đồng. 

Với nhiều giải pháp bù đắp các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân được triển khai hiệu quả, thiết thực, tin vui là qua kết quả rà soát cuối năm, xã Tân Lộc có 10 hộ thoát nghèo, đạt 125% và thoát cận nghèo 28 hộ, đạt 156% chỉ tiêu huyện giao.

Triển khai các mô hình, dự án cũng là giải pháp giúp xã Tân Lộc Đông (huyện Thới Bình) giảm nghèo hiệu quả. Ðiển hình như mô hình đan đát năn tượng của Hội Phụ nữ xã được đánh giá là hiệu quả thiết thực, giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động và tăng thu nhập cho hộ gia đình, giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

Là một trong 22 thành viên của tổ đan đát, bà Nguyễn Thị Bình ở ấp 1 chia sẻ gia đình neo đơn, chỉ có 3 bà cháu quanh quẩn ở nhà, công việc đan đát rất phù hợp với điều kiện sức khoẻ và yêu cầu phải chăm sóc cháu nhỏ. Mỗi tháng làm được khoảng 2 triệu đồng, bà Bình chắt chiu trang trải cuộc sống vừa chăm cháu.

W-A4 PHAM ANH VIỆT X HUG VIET C KHE_8711.jpg
Ngoài hỗ trợ sinh kế, mở lối vươn lên thoát nghèo một cách căn cơ cho bà con, các địa phương chú trọng giải quyết nhu cầu việc làm.

Ngoài hỗ trợ sinh kế, mở lối vươn lên một cách căn cơ cho các hộ dân nghèo khó, huyện Thới Bình còn chú trọng giải quyết nhu cầu việc làm cho bà con, trong đó đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài có thời hạn (xuất khẩu lao động). 

Cuối tháng 11, từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bèn vững, UBND huyện Thới Bình phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau tổ chức phiên giao dịch việc làm thu hút hơn 300 lao động, đoàn viên thanh niên và các em học sinh tham dự.

Tại phiên giao dịch việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động trực tiếp trao đổi các chính sách, quyền lợi của người lao động khi tham gia chương trình đưa người lao động trên địa bàn tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài tại 3 thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động là chủ trương có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp cho người lao động, là cơ hội để người lao động được làm việc và học tập kinh nghiệm ở các nước phát triển trên thế giới. Hơn hết, công tác này giúp địa phương giảm nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. 

Nửa đầu năm nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thới Bình đã giải ngân gần 750 triệu đồng cho 8 hộ vay để lao động nông thôn khó khăn được xuất khẩu lao động, nâng cao thu nhập, thoát cảnh nghèo khó.