Giới chức chính quyền Mỹ khẳng định chiến thắng của chính trị gia cứng rắn Ebrahim Raisi trong cuộc bầu cử tổng thống Iran vừa qua không ảnh hưởng đến các triển vọng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đang bị sa lầy với Tehran. 

Nhưng có những dấu hiệu cho thấy mục tiêu này ngày càng trở nên xa vời. Hy vọng đạt được một thỏa thuận đã trở nên phai nhạt khi các cuộc đàm phán mới nhất kết thúc hôm 20/6 dường như không đạt bước tiến nào.

{keywords}
Tổng thống đắc cử của Iran Ebrahim Raisi vẫy chào khi kết thúc cuộc họp báo ở Tehran ngày 21/6. Ảnh: AP

Và ngày 21/6, trong bình luận công khai đầu tiên kể từ sau bầu cử, Tổng thống đắc cử của Iran đã bác bỏ mục tiêu chính của ông Biden là mở rộng thỏa thuận hạt nhân nếu các nhà đàm phán có thể cứu vãn thỏa thuận cũ. Ông thẳng thừng yêu cầu Washington dỡ bỏ cấm vận, tố Mỹ vi phạm thỏa thuận hạt nhân trong khi Liên minh châu Âu không thực hiện các cam kết của mình.

Bản thân ông Ebrahim Raisi đã nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ từ năm 2019.

Thời gian vừa qua, Tổng thống Biden cùng đội ngũ của ông đã nỗ lực đưa Mỹ trở lại với thỏa thuận hạt nhân và coi đây là một trong những ưu tiên chính sách ngoại giao hàng đầu. Thỏa thuận năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), là thành tựu quan trọng của chính quyền Barack Obama nhưng bị cựu Tổng thống Donald Trump tẩy chay.

Giờ đây, các quan chức trong chính quyền Biden quyết tâm quay trở lại và khẳng định các triển vọng đạt được một thỏa thuận mới vẫn không thay đổi dù ông Raisi lên nắm quyền. Họ lập luận, Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei – người đã ký vào JCPOA - sẽ đưa ra quyết định cuối cùng bất kể ai là tổng thống.

"Quan điểm của Tổng thống và quan điểm của chúng tôi là nhà lãnh đạo quyết định là lãnh tụ tối cao", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói hôm 21/6. "Đó là trường hợp trước cuộc bầu cử; đó cũng là trường hợp của hôm nay, và sẽ là trường hợp của ngày mai".

"Chúng tôi mong đợi Iran sẽ có cùng một nhà lãnh đạo tối cao vào tháng 8 như hiện nay, như trước cuộc bầu cử, như vào năm 2015 khi JCPOA được hoàn thiện lần đầu tiên", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price bày tỏ. 

Nhưng hy vọng về những tiến bộ đáng kể đã vụt tắt vào tuần trước cuộc bầu cử Iran, trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về tác động của cuộc bỏ phiếu đối với đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ tại Vienna, Áo.

Các nhà ngoại giao và những người nắm rõ tiến trình đàm phán đã nghĩ rằng vòng cuối cùng - vòng thứ 6 - ít nhất có thể cho ra một kết quả hữu hình, kể cả không đạt được thỏa thuận đầy đủ. Nhưng giờ đây, vòng đàm phán đó đã kết thúc, mà vòng thứ 7 vẫn chưa được lên lịch, vì ông Raisi tuyên bố bác bỏ bất cứ khả năng nào ngoại trừ việc Mỹ dỡ bỏ mọi trừng phạt để đổi lấy việc Iran tuân thủ tối thiểu thỏa thuận 2015.  

Ông Raisi cũng gạt sang một bên lời kêu gọi của Mỹ yêu cầu Tehran tiếp tục thảo luận về việc mở rộng thỏa thuận hạt nhân ban đầu nhằm tính đến cả chương trình tên lửa đạn đạo và sự hỗ trợ của nước Cộng hòa Hồi giáo cho các nhóm trong khu vực mà Washington liệt vào hàng khủng bố. "Đó là điều không thể đàm phán", ông Raisi tuyên bố.

Các chuyên gia về Iran nhận định, mục tiêu đó của chính quyền ông Biden là quá khó, nếu không muốn nói là không thể đạt được.

Trong khi đó, những người chỉ trích thỏa thuận hạt nhân vẫn giữ quan điểm rằng Mỹ đã nhượng bộ quá nhiều để nhận về quá ít. Và kể cả Iran có đồng ý với một kiểu đàm phán bổ sung nào đó, cam kết sẽ vẫn vô nghĩa.

"Rõ ràng là Iran không bao giờ chịu thương lượng trong thiện chí vượt ra ngoài JCPOA", hãng tin AP dẫn lời Rich Goldberg, quan chức Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ thời Tổng thống Trump, nêu quan điểm. "Nhưng giờ đây, kể cả nếu chính quyền nhận được những lời lẽ mang tính giữ thể diện từ Iran về đàm phán trong tương lai, ông Raisi cũng đã tuyên bố họ không quan tâm". 

Thanh Hảo

Tân Tổng thống Iran gửi thông điệp cứng rắn đến Mỹ

Tân Tổng thống Iran gửi thông điệp cứng rắn đến Mỹ

Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Rais hôm 21/6 cho biết ông sẽ không gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden, đồng thời yêu cầu Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015.