- ĐB Đỗ Văn Đương khuyến cáo, nếu tách rời quyền im lặng không gắn với chế định “mặc cả thú tội” cũng giống như khuyên người ta đau bụng thì uống nhân sâm nhưng quên đi vế sau là “tắc tử”.

Tại ngày thảo luận về bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) sửa đổi hôm nay, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) phân tích điểm sửa đổi mới nhất, đó là nghi phạm được tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình, hoặc buộc phải nhận mình có tội.

Ông nhìn nhận nhiệm vụ của TTHS trước hết là đấu tranh phòng chống tội phạm, đi kèm là không để xảy ra oan sai. Vì vậy, quyền im lặng cần nhìn nhận khách quan, đầy đủ. Trong trường hợp bị can, bị cáo khai ra hành vi phạm tội thì đó là cơ hội tự bào chữa cho chính mình và được khoan hồng theo chính sách nhân đạo.

{keywords}
ĐB Đỗ Văn Đương
“Trong khi kho thuốc nổ có hẹn giờ chỉ còn vài giờ phát nổ, tổ chức tội phạm giết người, cướp của chuẩn bị hành động mà tại thời điểm bị bắt, họ im lặng, nếu chậm một phút thì tai hại vô cùng. Đấy là nhân đạo với một người sẽ giết nhiều người”, ông Đương ví von.

Dù được đánh giá tích cực từ các ĐBQH khác song ĐB TP.HCM vẫn chỉ ra quy định như dự thảo luật còn chưa chặt. Ông dẫn ví dụ luật của Mỹ. Đó là nghi phạm có quyền im lặng cho đến khi có luật sư nhưng có thêm chế định “mặc cả thú tội”. Điều này khuyến khích nghi phạm tự giác khai tội và gần 90% số vụ án được khám phá từ việc mặc cả thú tội.

Ông Đương khuyến cáo, nếu tách rời quyền im lặng không gắn với chế định “mặc cả thú tội” cũng giống như khuyên người ta đau bụng thì uống nhân sâm nhưng quên đi vế sau là “tắc tử”.

Cản trở điều tra

Ở góc nhìn tích cực, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) dẫn chứng tồn tại trong TTHS hiện nay không ít trường hợp vi phạm quyền con người, bức cung, nhục hình để có bằng được lời khai của bị can. Do vậy, quy định như dự thảo buộc các cán bộ tố tụng phải thay đổi tư duy, làm cho hoạt động của các cơ quan tố tụng tích cực hơn, khách quan hơn và toàn diện hơn.

ĐB Nguyễn Thái Học cũng cho rằng, quy định như dự thảo xác định rõ quyền và nghĩa vụ của điều tra viên, khắc phục tâm lý chủ quan, quy chụp. Vì trong khi lấy lời khai ban đầu, tâm lý của điều tra viên thường nói đã có đầy đủ chứng cứ, nghi phạm phải nhận tội

ĐB Nguyễn Ngọc Phương, Quảng Bình lại cho rằng, quyền im lặng có thể gây ra những cản trở nhất định cho cơ quan điều tra khi vụ án có nhiều đồng phạm. Việc im lặng của nghi phạm có thể sẽ cản trở quá trình điều tra nhưng không vì thế mà không đưa quyền im lặng vào luật.

Ông còn chỉ ra các vụ oan sai vừa qua có nguyên nhân thiếu quyền im lặng. Vì nghi phạm khi bị bắt thường có tâm lý hoang mang, mất bình tĩnh lại không có luật sư giúp cho lời khai của họ chính xác nên có những lời khai chống lại chính mình hoặc thừa nhận mình có tội.

{keywords}
Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam Phạm Trường Dân cho rằng không nên quy định quyền im lặng độc lập

Trong khi đó, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam Phạm Trường Dân phân tích thái độ im lặng của bị can, bị cáo không được coi là tình tiết tăng nặng và phải được tôn trọng. Tuy nhiên, không nên quy định quyền im lặng thành quyền độc lập vì như vậy phá vỡ các nguyên tắc hiện hành, dễ bị lợi dụng, gây khó khăn, phức tạp cho công tác phòng, chống tội phạm.

Máy ghi âm 1 triệu đồng lẽ nào không sắm nổi?

Liên quan quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình 100% các cuộc hỏi cung, ĐB Nguyễn Thái Học cho rằng quy định này tiến bộ, thể hiện sự công khai, minh bạch, khắc phục bức cung, nhục hình. Để bảo vệ được quyền con người nếu phải tốn kinh phí đầu tư máy ghi âm cũng có thể xem xét.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phản đối lo ngại nếu áp dụng quy định này sẽ tốn kém, phức tạp. "Một nền tư pháp vì con người không tránh khỏi tốn kém. Tốn kém cũng phải làm”. Ông chỉ ra thực tế việc ghi âm, ghi hình là thao tác rất đơn giản và không tốn kém trong điều kiện công nghệ điện tử phát triển như hiện nay.

{keywords}

ĐB Trần Ngọc Vinh

Theo ông, các quy định cụ thể về thủ tục niêm phong, bảo quản băng ghi âm để trở thành nguồn chứng cứ trực tiếp chứng minh của vụ án mới là vấn đề đáng quan tâm. Việc chỉ ghi âm, ghi hình đối với tội hình phạt tù chung thân, tử hình, hoặc trường hợp khác xét thấy cần thiết như ý kiến của UB Tư pháp dễ dẫn đến sự tùy tiện trong hỏi cung và không khách quan.

ĐB Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) cũng phản bác lại ý kiến cho rằng việc bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung rất khó khả thi do điều kiện kinh tế khó khăn. Ông cho rằng lí giải như vậy là chưa thỏa đáng.

ĐB Trường dẫn chứng ngay giá một chiếc máy ghi âm hiện nay chỉ trên dưới 1 triệu đồng. Hơn nữa, việc này đã được nhiều bộ, ngành áp dụng thì không có lí gì lĩnh vực tư pháp liên quan trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người, quyền tự do, quyền sống lại không thực hiện được.

Thu Hằng - Minh Thăng