Intel dùng 20 tỷ USD ‘đấu’ các nhà sản xuất bán dẫn châu Á
 

Kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất bán dẫn của Intel vừa được CEO Pat Gelsinger công bố hôm thứ Ba (23/3). Ông muốn khôi phục uy tín của Intel sau nhiều lần trì hoãn sản xuất, gây ảnh hưởng xấu tới chứng khoán công ty. Chiến lược trực tiếp nhằm vào hai nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới là TSMC (Đài Loan) và Samsung Electronics (Hàn Quốc). Đồng thời, nó tham vọng lật lại thế cân bằng giữa Mỹ, châu Âu với châu Á khi chính phủ các nước ngày càng lo ngại về rủi ro khi sản xuất tập trung tại Đài Loan giữa căng thẳng với Trung Quốc.

Cùng với công bố kế hoạch kinh doanh mới, Intel cũng báo cáo kết quả kinh doanh năm 2020 và dự báo năm 2021. Công ty kỳ vọng đạt 72 tỷ USD doanh thu trong năm nay và dự định dành 19 tới 20 tỷ USD cho chi phí đầu tư. Dự báo năm 2021 phản ánh tình trạng khan hiếm trong ngành bán dẫn toàn cầu của một số linh kiện như substrate (phần nền).

Intel là một trong số ít công ty bán dẫn hiện nay vừa thiết kế, vừa sản xuất chip riêng. Các đối thủ như Qualcomm, Apple đều dựa vào nhà thầu bên ngoài. Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, ông Gelsinger tiết lộ đã “giải quyết hoàn toàn” các vấn đề với công nghệ sản xuất mới và lên kế hoạch mở rộng sản xuất khổng lồ.

Kế hoạch bao gồm chi 20 tỷ USD cho hai nhà máy mới tại Arizona, tạo ra 3.000 việc làm. Intel sau đó sẽ xem xét những cơ sở khác tại Mỹ và châu Âu. Intel muốn dùng các nhà máy này để sản xuất chip riêng song cũng mở cửa cho khách hàng, đi theo mô hình gia công bán dẫn (foundry). Nhà máy mới sẽ tập trung vào chip điện toán hiện đại thay vì công nghệ cũ hay đặc thù.

Đây là nguy cơ rõ rệt với TSMC và Samsung. Cả hai đều đang thống trị ngành kinh doanh sản xuất bán dẫn, chuyển trọng tâm từ Mỹ - nơi sáng chế hầu hết công nghệ bán dẫn sang châu Á – nơi sản xuất hơn 2/3 chip tiên tiến. Ông Gelsinger muốn Intel thay đổi thế trọng ấy bằng cách theo đuổi mô hình foundry, nơi họ vẫn chỉ là một người chơi nhỏ bé.

Tân CEO Intel khẳng định sẽ lựa chọn quy trình sản xuất tốt nhất từ bất kỳ đâu, tận dụng lợi thế chuỗi cung ứng trong và ngoài công ty, kết hợp với cấu trúc chi phí hợp lý để tạo ra phép gộp hoàn hảo.

Du Lam (Theo Reuters)

Tòa án Mỹ yêu cầu Intel bồi thường 2,2 tỷ USD do vi phạm bằng sáng chế

Tòa án Mỹ yêu cầu Intel bồi thường 2,2 tỷ USD do vi phạm bằng sáng chế

Tòa án Texas nêu rõ Intel đã vi phạm hai bằng sáng chế của VLSI, trong đó thiệt hại do vi phạm bằng sáng chế thứ nhất là 1,5 tỷ USD và bằng sáng chế còn lại là 675 triệu USD.