Sự kiện do Trung tâm Hỗ trợ Chuyển giao công nghệ phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tổ chức nhằm giới thiệu, phổ biến quy trình công nghệ sản xuất mới cũng như các yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024.
Ông Nguyễn Linh, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong thời đại kinh tế số, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) đã trở thành hai công nghệ chủ lực trong việc định hình tương lai của nền kinh tế và xã hội. Đây là những công nghệ lõi, công nghệ nền tảng, làm tác nhân chính của cuộc cách mạng chuyển đổi số.
AI và IoT nổi bật ở khả năng tạo ra giá trị từ dữ liệu, khi kết hợp, không chỉ tăng cường khả năng tự động hóa mà còn thúc đẩy các sáng tạo mới, tăng hiệu suất, giảm chi phí và nâng cao chất lượng cuộc sống, cũng như các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng.
Tuy nhiên, một khảo sát mới đây về trình độ công nghệ của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho thấy, hơn 30% doanh nghiệp cho biết vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất.
TS. Chử Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, dẫn thêm số liệu đáng chú ý: Tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp chủ chốt còn thấp, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử chỉ đạt 5 - 10%, trong khi ở Thái Lan và Malaysia đạt tới 65 - 70%. Toàn ngành có khoảng 1.600 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 80% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng công nghệ 4.0 chỉ chiếm dưới 15%.
Hội thảo lần này được tổ chức nhằm giới thiệu tiềm năng, xu hướng ứng dụng công nghệ IoT/AI trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam để các doanh nghiệp nắm bắt, triển khai các hoạt động phát triển nhà máy, nâng cao năng lực sản xuất, tham gia, trở thành nhà cung ứng trong chuỗi sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu trong nước và quốc tế.
Hội thảo đã tập trung trao đổi các chủ đề gồm: Vai trò và ứng dụng các giải pháp AI/IoT trong cuộc chuyển đổi số kép (chuyển đổi số và chuyển đổi xanh); Chính sách phát triển dữ liệu, đổi mới công nghệ nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững; Công nghệ 5G - hạ tầng số cốt lõi cho sản xuất công nghiệp…