Apple sẽ tăng cường cơ chế mã hóa dữ liệu cho iPhone các đời tiếp theo, nhằm biến con dế này thành một pháo đài bất khả xâm phạm.

Đây là động thái mới nhất trong cuộc chiến giữa hãng này với chính quyền Mỹ, khi FBI yêu cầu Apple phải mở truy cập vào iPhone của một kẻ khủng bố đã chết nhưng Táo khuyết từ chối.

{keywords}

Cuộc chiến này chắc chắn sẽ còn kéo dài, vì nó liên quan đến vấn đề lớn hơn: Có nên nhượng bộ trước chính quyền trong việc xâm phạm quyền riêng tư người dùng hay không? Trong lúc chờ đợi, Apple vẫn thể hiện sự cứng rắn của mình khi tăng cường thêm các cơ chế bảo mật cho iPhone.

Một nguồn tin của New York Times cho hay, các kỹ sư của Apple đang phát triển hàng loạt biện pháp bảo mật để ngăn không cho iPhone bị hack. Hiện chưa rõ những biện pháp này có được cung cấp tới người dùng hay Apple sẽ tự áp dụng một cách mặc định.

Mọi việc bắt nguồn từ vụ xả súng ở San Bernadino, California hồi tháng 12, khiến 14 người thiệt mạng và 22 người khác bị thương. Apple đã từ chối chỉnh sửa hệ điều hành iOS để các điều tra viên FBI có thể bẻ khóa một chiếc iPhone 5C của kẻ khủng bố.

Hồi đầu tháng này, một thẩm phán liên bang đã chuẩn y yêu cầu của FBI để buộc Apple phải vô hiệu hóa chức năng xóa tự động, vốn được kích hoạt khi có quá nhiều mật khẩu màn hình khóa không chính xác được nhập. FBI hy vọng các thông tin lưu bên trong điện thoại có thể hé lộ nhiều điều về hoạt động của những kẻ khủng bố trước cuộc tấn công. Song Apple và Tổng giám đốc Tim Cook cho rằng yêu cầu này của chính phủ Mỹ đã đi quá xa và về cơ bản sẽ tạo ra một backdoor đe dọa hàng triệu iPhone khác.

Việc Apple tăng cường các biện pháp bảo mật hiển nhiên sẽ khiến sự căng thẳng giữa Washington và thung lũng Silicon tăng nhiệt. Các hãng công nghệ có xu hướng triển khai bổ sung nhiều hàng rào mã hóa trong các sản phẩm và dịch vụ của mình, sau tiết lộ chấn động của cựu điệp viên Edward Snowden về chương trình theo dõi của chính phủ Mỹ.

Vụ thảm sát tại Paris hồi cuối năm ngoái cũng từng gây ra tranh cãi về việc ngành công nghệ nên có trách nhiệm giúp đỡ các chính phủ đọc được các đoạn trao đổi mã hóa (nhân danh chống khủng bố) ra sao. Các hãng công nghệ luôn quan ngại rằng, không có cách nào để cho phép các chính phủ vượt qua hàng rào mã khóa mà lại an toàn trước tội phạm mạng cả.

T.C