- Chuyện tắc đường Hà Nội nếu có đủ số liệu khảo sát, các dự án đề xuất công bố công khai thì không thiếu sáng kiến hiến kế, giải quyết nhanh và rẻ, đáp ứng ngay và cũng có khả năng ứng dụng lâu dài.

KTS Trần Huy Ánh đã có bài viết gửi VietNamNet đưa ra những sáng kiến có thể giải quyết vấn nạn tắc đường tại Hà Nội.

Giảm ô tô cá nhân

Tắc đường tại Hà Nội ngày càng trầm trọng. Nhiều chuyên gia chỉ ra nguyên nhân là do số lượng ô tô cá nhân tăng nhanh, do đất vàng nội đô nhà thành nhà cao tầng hay tại quy hoạch kém.

Tuy vậy chỉ cần quan sát với con mắt dân thường cũng thấy tắc đường nặng nhất ở 2 hướng từ phía Tây (Hà Đông/ Nhổn) và từ phía Nam (chân cầu Thanh Trì/ Văn Điển) đi vào trung tâm TP.

Lý do tắc đường do ô tô cá nhân rất thuyết phục khi xem bất cứ bức ảnh nào chụp ở điểm tắc trầm trọng. Nguyên nhân này sẽ còn tăng nhanh chóng trong thời gian tới khi giá xe ngày càng rẻ, còn chi phí xây dựng đường sá ngày càng đắt (nhân công + đền bù GPMB ngày càng cao).

Mặt khác, chúng ta cũng như các nước đang phát triển đều bị mê hoặc bởi các nhà tài trợ luôn cổ vũ nhập khẩu vốn làm đường bộ trên cao, dưới thấp đi kèm với chính sách khuyến khích nhập khẩu ô tô tinh vi.

{keywords}
Vấn nạn tắc đường ngày càng trầm trọng ở Thủ đô.

Chỗ đỗ xe là bất động sản sinh lợi 

Đóng góp vào sự gia tăng xe cá nhân là việc sử dụng vỉa hè, lòng đường, không gian công cộng mặt đất để đỗ xe tùy tiện đang dần được hợp thức hóa bằng 'sáng kiến' cho thuê vỉa hè, lòng đường đỗ xe.

Một chỗ đỗ xe đầu tư hàng tỷ đồng lại có thể thay thế bằng mấy chục nghìn đồng mua hộp sơn vẽ chỗ đỗ xe trên nền đường, vỉa hè. Làm như vậy không chủ đầu tư nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại nào đầu tư xây dựng chỗ đỗ xe. Không có dự án xã hội hóa đầu tư nơi đỗ xe nào được triển khai. Như vậy diện tích vỉa hè lòng đường ngày càng thu hẹp, nạn tắc đường càng thêm trầm trọng.

Giải pháp giảm ô tô cá nhân rất đơn giản mà các thành phố ở Mỹ, Nhật, Thái Lan, Philippines... cũng đã áp dụng, đó là họ coi chỗ đỗ xe là “bất động sản sinh lợi nhuận” chứ không quan niệm là “phúc lợi xã hội/ hạ tầng đô thị cần cung cấp”.

Thành phố không thể tùy tiện nâng cao mức thu phí phương tiện nhưng bằng cách tăng mức thu phí khi vào sâu khu trung tâm TP và thu tiền chỗ đỗ xe đủ chi phí đầu tư, quản lý - việc này không mới mẻ gì, các TP ở các nước quanh ta thực hiện lâu rồi.

Đây là việc làm khả thi vì cùng lúc đạt 2 mục đích: giảm xe cá nhân (các chủ xe cân nhắc chi phí thay vì tùy hứng - cũng có thể ứng dụng giải pháp CNTT để tối ưu hóa sử dụng chung ô tô, xe máy) và khuyến khích xã hội hóa đầu tư nơi đỗ xe.

Vẽ thêm đường: Tiền đâu mà làm

Nguyên nhân quy hoạch kém thì ai cũng thấy, càng vẽ nhiều càng thêm nhiều bất hợp lý. Do vậy, bây giờ vẽ lại, vẽ thêm đường mới càng nguy vì tiền đâu mà làm. Tốn tiền vẽ lại thêm quy hoạch treo.

Giải pháp cho vấn đề này là tổ chức lại giao thông, chỉnh trang mạng đường xương cá nhỏ bé sẵn có bên cạnh các trục đường thường xuyên bị ùn tắc để tạo lối thoát cho xe máy, xe đạp thay vì đứng chờ hàng tiếng sau những chiếc ô tô.

Những giải pháp này rất tình thế và chưa có lý thuyết nào dẫn giải nhưng có thể áp dụng ngay trước khi các dự án hàng tỷ USD hình thành ý tưởng hay đi vào khai thác.

Có thể áp dụng những phần mềm máy tính hỗ trợ để đưa ra rất nhanh kết quả tối ưu cần mở thêm những lối thoát nhỏ tại vị trí nào và bằng cách nào thực hiện nó.

{keywords}
KTS Trần Huy Ánh.

Nguyên nhân đất vàng xây nhà cao tầng thì còn chưa rõ. Nếu đất vàng bán đi đem lại khoản tiền đúng giá để đầu tư hạ tầng đô thị thì cần khuyến khích bởi 2 lẽ: TP có nhiều tiền chủ động đầu tư vào các dự án thiết thực, thay vì phải mua đắt các dự án do các khoản vay khống chế (chỉ tiếc là cho đến nay hầu như không rõ các dự án xây trên đất vàng đã đóng góp bao nhiêu cho TP đầu tư hạ tầng). Nếu nhà ở trong trung tâm rồi thì sẽ giảm lượng người đi từ ngoài vào trung tâm gây tắc đường.

Chuyện tắc đường Hà Nội nếu có đủ số liệu khảo sát, các dự án đề xuất công bố công khai thì không thiếu sáng kiến hiến kế, giải quyết nhanh và rẻ, đáp ứng ngay và cũng có khả năng ứng dụng lâu dài.

KTS Trần Huy Ánh