- Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng và Phó trưởng Ban Nội chính TƯ Lê Minh Trí chủ trì hội nghị phòng chống tham nhũng (TN), lãng phí do Thành ủy TP.HCM tổ chức chiều nay.
Phát hiện chậm, tài sản TN bị tẩu tán
Phó GĐ Công an TP.HCM kiêm Thủ trưởng cơ quan điều tra, Thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng, phát hiện, chống TN không thể nói ít hay nhiều.
Theo ông, sự đánh giá đều là cảm tính, phỏng đoán vì bản chất án TN là án tiềm ẩn, đến khi kết luận mới có thể quy tội. Còn ngay cơ quan điều tra khi khởi tố, đa phần nghi vấn chỉ kết luận được 50%, nếu được 80% là vượt mong đợi.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, PGĐ Công an TP.HCM |
Ông cho hay, án TN phát hiện thiệt hại vụ sau lớn hơn trước, do nhiều cơ chế, trong đó tài sản tích tụ của nhà nước giao cho cá nhân chịu trách nhiệm nhiều.
Để xảy ra hệ quả, thường là phát hiện chậm, hành vi TN xảy ra phải đến 10 năm sau mới phát hiện, tỉ lệ thu hồi thấp, việc tẩu tán tiêu thụ đã hoàn thành.
Kiến nghị nhiều giải pháp, ông Minh lưu ý dù hiện nay đã xây dựng hoàn chỉnh các quy trình, chuẩn hóa quy định cán bộ, công khai, minh bạch nhưng vẫn chưa đủ ngăn ngừa TN.
Như việc kê khai tài sản, theo ông, là một giải pháp “ảo”, không mang lại tác dụng răn đe, chỉ có tác dụng “đút ngăn kéo”, còn kê khai đúng không thì không ai biết.
“Phải có chế tài, nếu kê khai, xác minh sở hữu tài sản mượn người đứng tên để che giấu phải coi là vi phạm cần xử lý”, ông kiến nghị.
Ông cho hay, có một số vụ án dù được sự đồng tình của Thường vụ Thành ủy nhưng công an TP vẫn không tiếp cận được bản kê khai tài sản của cán bộ vi phạm.
“Như thế bản kê khai để hộc bàn không ý nghĩa gì cả”, ông nói.
Trong xử lý tham nhũng, ông Minh cho rằng, TP phát hiện nhiều, xét xử nhiều vụ án nhưng không thể tự hào vì thực tế vẫn còn những vụ bị điều tra bổ sung, hủy án nhiều. TP còn vướng thêm cơ chế ủy quyền công tố, toàn bộ điều tra do TƯ làm, rồi chuyển về TP xử.
“Hồ sơ vụ án mà dưới 20.000 trang, rồi vài trăm ngàn trang, không hội đồng xét xử nào có thể hiểu rõ ngóc ngách biện pháp đã tiến hành chỉ trong 2 tháng. Việc xử lý chậm, lâu là hệ quả lớn, dân nghi ngờ sao quá lâu mới xử, thậm chí xử rồi hủy án, thậm chí xử sau còn nhẹ hơn trước".
Ông dẫn lại chuyện từng bị cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trách là loay hoay cầu toàn câu chữ báo cáo điều tra mà không nhìn vào yêu cầu chính trị và sự chờ đợi của người dân, xử sớm có lợi hơn nhiều.
“Nhiều trường hợp bị hủy án, trong thâm tâm tôi chấp nhận nhưng không tin hủy là đúng”, ông Minh tâm tư.
Tính hai mặt “khoan, cắt” vụ án
Chia sẻ tâm tư của tướng Minh, ông Lê Minh Trí, Phó trưởng Ban Nội chính TƯ cũng tâm tư tính hai mặt của “khoan, cắt” xử lý các vụ án TN lớn. Do quy định thời hiệu nên những vụ này phải khoanh lại, xử lý theo từng hành vi cụ thể để giải quyết yêu cầu chính trị, đáp ứng mong mỏi của người dân.
Tuy nhiên, việc “khoan, cắt” vụ án TN lớn như ông Trí nói dễ có tính hai mặt.
“Cắt riết là biến dạng. Không có nghiệp vụ nào về tách tài liệu ra khỏi vụ án cả”, ông nói nhưng cũng luận biện rằng, trong điều tra cần có sự độc lập nhất định, nếu mời thêm tòa, địa phương, VKS vào sớm thì cũng có những khó khăn. Trước mắt, có những khó khăn nào tháo gỡ được sẽ làm, rồi hoàn thiện dần cơ chế, quy trình.
Theo ông, ý chí chính trị của người đứng đầu là quan trọng. TP.HCM là một địa bàn trọng yếu quốc phòng an ninh, phát hiện TN tích cực, không để xảy ra vụ tiêu cực TN lớn nhưng không được quên, TN khó phát hiện, nhất là ở dưới, có thể do ngừa tốt hoặc do chưa phát hiện được, chưa xảy ra lớn, làm sao người đứng đầu phải quan tâm kiểm soát tốt.
Chống tham nhũng phải quyết liệt
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng lưu ý, TN vẫn còn diễn biến tinh vi, phức tạp. Kết quả đạt được chỉ là bước đầu, phòng, ngừa phát hiện và xử lý TN còn nhiều hạn chế so với yêu cầu...
Ông lưu ý quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước về phòng, chống TN chưa thực sự trở thành động lực, hành động tự giác của tất cả các cấp.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng |
Nêu 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản, Bí thư Thành ủy TP đề nghị đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy.
“Người đứng đầu phải gương mẫu, liêm khiết, kiên quyết đấu tranh chống TN, chịu trách nhiệm khi để cơ quan, đơn vị, địa phương do mình lãnh đạo phụ trách, quản lý xảy ra TN, lãng phí nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc xử lý TN”, ông nói rõ.
Dẫn ngay kiến nghị của DN tại đối thoại với lãnh đạo TP sáng nay, Bí thư phản ánh việc DN phải chấp nhận “chi phí” để bộ máy chính quyền làm nhanh hơn, hay việc kiểm tra hải quan chỉ cần áp dụng máy móc nhưng DN thép bị hải quan yêu cầu đưa đến một trung tâm tư vấn chỉ định sẵn.
“Như thế là tiêu cực, tham nhũng hay lãng phí?”, ông đặt vấn đề.
Ông cũng “điểm danh” ví dụ Sở Y tế việc “ôm tiền”của các bệnh viện công đấu thầu thiết bị nhưng 2-3 năm nay không mua được thiết bị nào.
“Tại sao 43 bệnh viện tư nhân không đấu thầu, người ta định giá được thấp mà mình là nhà nước lại đấu thầu để ra giá cao… Như thế có là lãng phí? Đề nghị Sở chậm nhất từ tháng 4 phải trả lại quyền tự chủ cho bệnh viện và chuyên tâm làm quản lý nhà nước, giám sát, phê duyệt chiến lược, quy hoạch, đưa ra các hướng, quy định, tiêu chuẩn", ông nói, đồng thời nêu cao tinh thần phòng, ngừa chống TN ngay trong mỗi địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, trongchính bản thân mỗi người.
Xuân Linh - Ảnh: Đinh Tuấn