Đọc kịch bản, tôi đã biết được bao nhiêu tấn gạch, đá mình sẽ nhận
- Vai Khiêm đang bị ghét vì NSƯT Hồ Phong diễn quá đạt. Anh bị khán giả inbox hỏi thăm nhiều không và cả những bình luận chửi bới Khiêm khi đang là nhân vật khốn nạn nhất 'Chúng ta của 8 năm sau'?
Đa số khán giả inbox cho tôi đều là người quen nên căng lắm là: “Vai Khiêm đểu quá", nhưng hầu hết khen tôi diễn xuất sắc, quá đạt… Còn tin nhắn spam thì tôi không đọc. Vai Khiêm đúng là "khốn nạn" nhất Chúng ta của 8 năm sau cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Khiêm là người có bản chất xấu xa nhưng vô tình cũng có nhiều cơ hội do khách quan đưa đến để hắn ta lợi dụng.
Có khán giả nhận xét, nếu Mai không ngây thơ chắc gì Khiêm đã lợi dụng được. Hoặc nếu Như Ý kiềm chế được cảm xúc, không lạm dụng rượu làm gì Khiêm có cơ hội giở trò đồi bại. Tính cảnh báo, giáo dục của phim khá tinh tế và sâu sắc qua những tình huống này.
- Thành công với các vai phản diện nhưng phản ứng của người xem lần này có khiến anh bất ngờ? Chắc chắn anh đã biết trước nhận vai nghĩa là nhận 'gạch đá' dữ dội?
Khi được mời tham gia dự án này và đọc kịch bản, tôi đã biết bao nhiêu tấn gạch, đá sẽ nhận rồi (cười). Nhưng để đảm bảo tính bí mật và hấp dẫn của phim nên tôi không nhắc tới. Nhiều khán giả khẳng định Khiêm là vai phản diện nhưng cũng có người hy vọng Khiêm là vai tốt nên cũng có vài ý kiến trái chiều.
Tôi đón chờ gạch, đá của người xem như một lẽ tất yếu và vui mừng về điều đó. Càng nhiều gạch đá có nghĩa vai Khiêm có ấn tượng và tôi đã phần nào thành công.
- Bà xã ở nhà nhận xét thế nào về độ khốn nạn của nhân vật Khiêm mà anh đảm nhiệm?
Phim này vợ tôi không xem vì chiếu hơi muộn, con trai út mới 13 tháng nên bà xã phải cho con đi ngủ sớm. Còn ban ngày, cơ quan sau Tết nhiều việc, với vị trí quản lý, vợ tôi quá bận mà không thể xem lại. Thỉnh thoảng cô ấy vào mạng xem review hoặc đọc comment của khán giả thôi nên về không thấy có phản ứng gì.
Tôi đều xin lỗi diễn viên nữ vì sợ lỡ tay làm các bạn ấy đau
- Trong phim, anh đóng nhiều cảnh nhạy cảm rất dễ bị phụ nữ ghét như lúc sỉ nhục Mai sau khi chơi chán hay định cưỡng bức cả Như Ý và Dương. Đóng những cảnh này với các diễn viên xinh đẹp đáng tuổi cháu mình với anh có gì khó khăn? Cảnh nào anh thấy phát ghê với nhân vật Khiêm?
Những diễn viên chuyên nghiệp như tôi sẽ dễ vượt qua các rào cản đó vì mình sống với nhân vật chứ không diễn để cho cảm xúc chân thực hơn. Nhưng trước và sau khi quay xong, tôi đều xin lỗi các diễn viên vì sợ lỡ tay làm các bạn ấy đau hay khó xử vì sự nhạy cảm của cảnh quay.
Rất may các bạn diễn viên trẻ đó đều rất chuyên nghiệp. Chúng tôi quan niệm đây là vai diễn, làm sao phải thể hiện sự chân thực nhất gửi đến khán giả nên tương tác khá tốt. Bằng chứng là những ảnh hậu trường chúng tôi chụp với nhau rất tình cảm.
Có lẽ cảnh quay trong tập 43 Chúng ta của 8 năm sau khiến tôi băn khoăn nhất vì quay sau. Cảnh Dương bị các vết bầm tím trên mặt quay trước do yêu cầu của lịch sản xuất nên tôi khá lúng túng vì sợ phải tác động thật mạnh tới vùng mặt, vùng cổ của Huyền Lizzie rất có thể khiến cô ấy bị đau thật sự. Nhưng nếu sử dụng kỹ thuật diễn sẽ không chân thực.
May mắn là Huyền Lizzie yêu cầu tôi phải làm như thật và cô ấy cũng diễn như thật nên hai anh em hoàn thành phân cảnh đó khá nhanh. Dù vậy cũng không tránh được sự va chạm mạnh nên Huyền Lizzie có những vết bầm tím sau đó. Tôi phải xin lỗi cô ấy bằng 1 lọ thuốc xoa vết thương khá tốt.
- Có người bình luận là đóng đạt thế, chắc ngoài đời diễn viên cũng có nét giống nhân vật, anh nói sao? Khiêm và NSƯT Hồ Phong có điểm nào liên quan?
Đây chính là điều tôi dị ứng nhất. Tôi nhận rất nhiều lời khiếm nhã của các khán giả tiêu cực từ phim Hương vị tình thân và phản ứng khá gay gắt với những phán xét quy chụp này. Bởi nếu tôi xấu như những vai diễn trong phim, ai sẽ cộng tác và làm việc với tôi?
Những khán giả đó nên biết rằng các diễn viên muốn cộng tác với VFC ngoài chuyên môn ra phải có phẩm chất, đạo đức, nhân thân tốt. Vai Khiêm có một điểm chung duy nhất với tôi - cùng là đàn ông (cười). Còn tôi không giàu như Khiêm và cũng không bỏ vợ như Khiêm.
- Các nhân vật anh đóng gần đây từ 'Hương vị tình thân' đến 'Đấu trí', 'Chúng ta của 8 năm sau' đều là phản diện. Có người nói anh là trùm phản diện chỉ hợp làm người xấu trên phim bởi gương mặt 'khó hoàn lương'. Anh nghĩ sao về đánh giá này?
Nhận xét đó đúng với các phim tôi cộng tác với VFC vì phim của VFC cần diễn viên gần với nhân vật nhất về tạo hình, cần sức diễn của diễn viên để khán giả mọi tầng lớp, mọi độ tuổi, mọi nghề nghiệp có một cái nhìn chung nhất, khách quan và chân thực nhất về đời sống xã hội.
Còn trên sân khấu hoặc với các đơn vị nghệ thuật khác, hãng phim khác, tôi từng thể hiện rất nhiều nhân vật khác nhau từ các vai tướng, tá, cán bộ Trung ương đến địa phương hay các vai Tể tướng, quan lại thời xưa rồi cả học sinh, sinh viên… vì tôi tham gia biểu diễn từ năm 1989 đến nay.
- Anh nói sẽ tiếp tục vào vai phản diện vì đó là nghề của mình. Vì sao anh thích làm người xấu trên phim? Có phải vì đóng thì thích mà khán giả càng ghét vai diễn của mình lại càng đáng nhớ?
Người nghệ sĩ sẽ hạnh phúc khi được làm nghề mà họ chọn, vừa thỏa đam mê, vừa thêm thu nhập, vừa tạo được thương hiệu các nhân vật. Vậy cớ gì không tiếp tục làm nghề mình đã chọn và ít nhiều có những thành công? Tôi thích làm vai phản diện trên phim vì mỗi vai có một thử thách thú vị riêng.
Vai phản diện đa chiều về tính cách, sinh động trong cách diễn và gây áp lực tâm lý rất mạnh, nhanh đến khán giả. Cái hay của vai phản diện là khán giả ít nhiều từng gặp trong đời sống nên họ thấy thật hơn, đời hơn. Đồng thời, cũng một phần giúp khán giả trút giận vào 'nó' (nhân vật phản diện - PV) trên truyền hình mà chưa chắc cuộc sống đời thường họ dám nói ra, mặc dù họ biết và chứng kiến. Đó cũng là một cách cảnh báo, giáo dục để mọi người tránh xa và lên án cái xấu.
NSƯT Hồ Phong trong trích đoạn phim 'Chúng ta của 8 năm sau':
Clip: Nguồn VTV