Tài chính xanh, bền vững; vốn vay ưu đãi từ đất nước giàu có nhất thế giới

Nơi dừng chân đầu tiên trong chuyến công du đến châu Âu của Thủ tướng là đất nước Luxembourg cổ kính, nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong EU với thu nhập GDP đầu người đứng đầu thế giới. Đây cũng là quốc gia nổi tiếng về dịch vụ tài chính ngân hàng, lĩnh vực đóng góp hơn 30% GDP.

Chính vì thế, người đứng đầu Chính phủ chọn đến thăm và làm việc tại Sở Giao dịch chứng khoán Luxembourg, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác với Luxembourg để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam 

Tại Sở Giao dịch chứng khoán Luxembourg – nơi đang niêm yết một nửa trái phiếu xanh trên thế giới, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Luxembourg Alain Kinsch cho rằng, việc Thủ tướng lựa chọn nơi đây là một điểm đến trong chuyến thăm Luxembourg cho thấy sự ghi nhận với những nỗ lực trong phát triển tài chính xanh, bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn Luxembourg hỗ trợ Việt Nam tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế; công nghệ-chuyển đổi số; quản lý thị trường phát triển công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững; phát triển nguồn nhân lực.

Kết quả của cuộc làm việc này được “đơm hoa” bằng ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Sở Giao dịch chứng khoán Luxembourg và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Điểm đến đáng chú ý thứ 2 tại đất nước giàu có này là Thủ tướng thăm và làm việc với  Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) – là đối tác với Việt Nam từ năm 1997.  

Tại đây, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ phối hợp giữa hai bên chặt chẽ, hiệu quả với quy mô, phạm vi lớn hơn và khẩn trương hơn. Cụ thể, là hai bên cùng tìm các dự án phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao đời sống vật chất cho người dân Việt Nam.

Thủ tướng mong EIB chia sẻ với Việt Nam với vốn vay ưu đãi hơn, điều kiện thuận lợi hơn

“Tôi mong muốn thời gian tới, chúng ta phát triển các dự án nhiều hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, tập trung vào các lĩnh vực các ngài ưu tiên và chúng tôi có nhu cầu phát triển”, Thủ tướng gợi mở và nói hai bên cần ký lại thỏa thuận hợp tác tài chính từ năm 1997. 

Sau đó, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, EVN và EIB đã ký kết biên bản ghi nhớ, tạo tiền đề cho sự đóng góp của EIB vào quá trình phát triển bền vững và lộ trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam.

Đáp lại lời đề nghị của Thủ tướng, Phó Chủ tịch Ngân hàng EIB Kris Peeters Vice cam kết sau cuộc gặp này, EIB sẽ bắt tay vào công việc ngay lập tức để phối hợp với Việt Nam xem xét đổi mới thủ tục, điều khoản cho vay, hợp tác hiệu quả với Việt Nam.

Một “Brainport Hà Nội” như Hà Lan

Đến Hà Lan, đất nước với nền kinh tế có trình độ phát triển cao và độ mở lớn, Thủ tướng chọn Trung tâm Công nghệ Brainport và Trung tâm Nhà vườn Thế giới - World Horti Centre (WHC) làm nơi đến để học hỏi kinh nghiệm. Đây cũng chính là những thế mạnh đưa Hà Lan trở thành điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới. 

Đến thăm và làm việc tại Trung tâm Công nghệ Brainport (BIC), thành phố Eindhoven - nơi được coi là thung lũng Silicon của châu Âu, Thủ tướng bày tỏ muốn học tập Hà Lan 3 mô hình: Kết nối hàng không tại Amsterdam (Airport), kết nối đường thủy tại Rotterdam (Seaport) và kết nối trí tuệ tại Eindhoven (Brainport) – nơi truyền cảm hứng cho đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng mong muốn học hỏi Hà Lan để Việt Nam có một “Brainport Hà Nội”

Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp cận và có sự hỗ trợ, giúp đỡ nhau, đi từng bước, công việc rất cụ thể và có hiệu quả qua từng năm tháng một để Việt Nam có một “Brainport Hà Nội” như Hà Lan.

Qua trao đổi, hai bên đã hứa hẹn “cùng nhau đi đến hồi kết”.

Đến thăm Trung tâm Nhà vườn Thế giới - World Horti Centre (WHC) - một điển hình về sự kết nối theo công thức "tam giác vàng" giữa Chính phủ – cơ sở nghiên cứu – doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị “Hà Lan giúp Việt Nam về giống cây trồng, công nghệ chế biến, kinh nghiệm, thị trường, thông tin về các sản phẩm phù hợp nhu cầu người tiêu dùng thế giới, còn Việt Nam có thể cung cấp nguồn nguyên liệu rất phong phú cho Hà Lan”.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị Hà Lan chia sẻ kinh nghiệm để phát triển một nền nông nghiệp thông minh

Giám đốc WHC Puck van Holstein cũng cam kết cung cấp giống, các công nghệ để nông nghiệp Việt Nam có thể phát triển với năng suất, chất lượng cao. Hai bên sẽ hợp tác thiết thực, hiệu quả hơn để phát triển một nền nông nghiệp thông minh.

Hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Điểm đến cuối cùng trong chuyến công tác châu Âu của Thủ tướng là đất nước Bỉ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc với Trung tâm IMEC tại thành phố. Leuven, Vùng Flanders, một trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao hàng đầu của Bỉ, cũng như của EU.

IMEC thành lập năm 1984, là một tổ chức phi lợi nhuận của Bỉ chuyên về nghiên cứu và phát triển công nghệ số và công nghệ nano trong lĩnh vực điện tử; là một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới. Đây là nơi hợp tác với các công ty điện tử hàng đầu như Samsung, Intel, TMSC, Meta, Sony, Google, Apple, Microsoft…

Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị IMEC tăng cường hợp tác, kết nối với Việt Nam với vai trò là một thị trường, nơi nghiên cứu và nền văn hóa có thể bổ sung cho thành công của IMEC.

Thủ tướng đề nghị IMEC tăng cường hợp tác, kết nối với Việt Nam

Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ tăng cường hoạt động kết nối các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp và thị trường, với sự hỗ trợ của nhà nước, xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo và hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Hy vọng với sự hỗ trợ của IMEC, Việt Nam có thể có bước tiến nhanh chóng với tinh thần cùng thắng, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng nhấn mạnh: Việc hợp tác phải có bắt đầu thì mới có thể về đích. Hai bên hợp tác với lộ trình, bước đi phù hợp, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp.

Những gì người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị và bày tỏ mong muốn các đối tác hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cũng chính là những gì Việt Nam đang cần để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; dựa vào nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.