Ứng phó sau mưa bão là vấn đề rất quan trọng

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn 2 xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành và Lũng Súng, xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng xảy ra sạt lở đất, vùi lấp hoàn toàn 12 căn nhà của 12 hộ dân, làm 20 người chết.

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, tỉnh thành lập Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại huyện này để trực tiếp chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai tại hiện trường về công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục khẩn cấp các điểm sạt lở đất làm ách tắc trên tuyến giao thông trọng yếu. 

sat lo cao bang.jpg
Hình ảnh khu vực sạt lở tại xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành

Đã có trên 7.600 lượt người, các lực lượng vũ trang, phương tiện được huy động để di dời người dân ở các khu vực nguy hiểm; triển khai các biện pháp xử lý sạt lở trên các tuyến giao thông, đặc biệt là QL34, khôi phục hệ thống điện và thông tin liên lạc. 

Đến 22/9, huyện đã hoàn thành công tác san lấp mặt bằng, di dời dân đến ở tạm thời tại 80 nhà bạt dã chiến trong thời gian chờ xây dựng khu tái định cư. 

Chính quyền tỉnh này cho biết, khu tái định cư xóm Lũng Lỳ đã khởi công xây dựng, xóm Lũng Súng đang lựa chọn địa điểm và phương án xây dựng tái định cư phân tán theo nguyện vọng của người dân nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

Làm việc với địa phương này, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh công tác ứng phó sau mưa bão là vấn đề rất quan trọng, không được chủ quan, lơ là; đề nghị tỉnh tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa lũ để chủ động ứng phó; đồng thời, cần sớm khắc phục hậu quả sau thiên tai, đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường. 

“Với kiến nghị liên quan đến các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn Bộ sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ tỉnh tái thiết lại sinh kế, ổn định sản xuất cho bà con vùng thiệt hai”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói rõ.

Bài học lớn nhất là việc vận dụng linh hoạt phương châm "4 tại chỗ"

80% số người chết và mất tích trên cả nước thuộc ba tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, và Yên Bái. Riêng Lào Cai chiếm tới 45% tổng thiệt hại.

Nơi hứng chịu thiên tai sau bão Yagi đau thương nhất phải kể đến thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai). Sáng 9/9, một trận lũ quét kinh hoàng đã gần như "xoá sổ" thôn Làng Nủ, khiến 54 người thiệt mạng, 13 người mất tích và gần 40 ngôi nhà đã bị tàn phá, vùi lấp trong bùn đất. 

Gượng dậy từ đau thương mất mát, công cuộc tái thiết làng mới nhanh chóng được triển khai. Hôm được hỏi ý kiến, toàn bộ dân làng đều đồng thuận, chỉ có một yêu cầu: "Tránh núi cao, không ở ven suối".

Tỉnh Lào Cai đã tập trung nguồn nhân lực, phối hợp với các chuyên gia và sự đồng thuận của nhân dân thôn Làng Nủ để xây dựng khu tái định cư, với mục tiêu hoàn thành trước 31/12 theo yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

w lang nu moi 8 17585.jpg
Vị trí xây dựng khu tái định cư Làng Nủ

Giai đoạn 1, khu tái định cư này được xây dựng tại Đồi Sim có diện tích 10ha, đảm bảo an toàn, cách thôn cũ khoảng 2km. 40 căn nhà được xây dựng 2 tầng, thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của người dân tộc Tày cùng các công trình phụ trợ; đảm bảo cho người dân sinh sống ổn định, lâu dài.

Phát biểu tại lễ khởi công hôm 21/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường bày tỏ sự cảm kích: "Thôn Làng Nủ mất đi do bão lũ, thiên tai, chúng ta sẽ quyết tâm xây dựng lại ngôi làng mới đẹp hơn, đáng sống hơn, an toàn hơn, nghĩa tình hơn". 

Sau 14 ngày thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả, tìm kiếm nạn nhân, chiều 24/9, gần 400 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu 2) và bộ đội biên phòng rút khỏi Làng Nủ trong niềm xúc động, cảm mến của người dân nơi đây.

w img 1408jpg 12124.jpg
Các chiến sĩ dò theo từng đoạn suối, vị trí nghi ngờ để tìm kiếm nạn nhân mất tích ở thôn Làng Nủ

"Điều nuối tiếc nhất với người lính chúng tôi là vẫn còn những thi thể đồng bào chưa được tìm thấy", Trung tá Nguyễn Ngọc Ba, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 chia sẻ trong ngày chia tay. 

Hơn hai tuần sau bão, công việc tìm kiếm nạn nhân mất tích, dọn dẹp khắc phục hậu quả ở nhiều địa phương vẫn tiếp diễn.

Nhìn nhận về công tác phòng chống thiên tai, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Quản lý Đê điều và Phòng chống Thiên tai đánh giá, một trong những bài học lớn nhất từ bão Yagi là việc vận dụng linh hoạt phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ), đặc biệt tại khu vực miền núi dễ bị chia cắt.

Ông dẫn chứng câu chuyện của trưởng thôn Ma Seo Chứ (thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) kịp thời phát hiện nguy cơ sạt lở và vận động 115 người dân sơ tán an toàn. Hay 142 giáo viên và học sinh trường Mường Hum, huyện Bát Xát, Lào Cai, cùng nhau sơ tán trước khi cả quả đồi sạt xuống. Sự chủ động, linh hoạt này đã góp phần giảm thiệt hại đáng kể về người.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh giải pháp lâu dài để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt là phải nâng cao năng lực dự báo và cảnh báo.