Tìm hiểu về bão

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, bão là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có thể có gió giật. Bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 10 đến cấp 11 gọi là bão mạnh, từ cấp 12 đến cấp 15 gọi là bão rất mạnh, từ cấp 16 trở lên gọi là siêu bão.

Hướng di chuyển của bão được xác định theo 1 trong 16 hướng: Bắc, Bắc Đông Bắc, Đông Bắc, Đông Đông Bắc, Đông, Đông Đông Nam, Đông Nam, Nam Đông Nam, Nam, Nam Tây Nam, Tây Nam, Tây Tây Nam, Tây, Tây Tây Bắc, Tây Bắc, Bắc Tây Bắc.

bao ngu dan Thanh Hoa Le Duong.jpg
Ngư dân ở Thanh Hóa hối hả đưa thuyền lên bờ để tránh bão số 3 Yagi sáng 6/9

Trong thực tế, khi nghe thông tin về một cơn bão, nhiều người cho rằng bão chỉ là một điểm và chỉ chú ý tới vị trí tâm bão và đường đi của tâm bão mà quên mất rằng gió mạnh và mưa lớn thường bao phủ một vùng rộng lớn xung quanh tâm bão. 

Nhiều cơn bão khi tâm còn nằm ngoài biển nhưng vùng gió mạnh và mưa lớn do bão gây ra đã vào sâu trong đất liền. Cơn bão số 3 năm nay (2024) cần đặc biệt chú ý tới vấn đề này.

Gió bão mạnh (trên cấp 10) có thể trải rộng trong một vùng có bán kính khoảng 50km xung quanh tâm bão đối với một cơn bão nhỏ, và có thể tới hơn 150km đối với một cơn bão lớn. Khu vực có gió mạnh trên cấp 7 còn trải rộng hơn nữa, có thể cách tâm bão tới 500km trong một cơn bão lớn.

phong chong bao.jpg
Nguồn: Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai

Các chuyên gia khí tượng lưu ý, phải theo dõi thông tin về phạm vi bán kính gió mạnh trong các bản tin dự báo bão.

Khi bão còn đang trong giai đoạn trưởng thành, ở trên biển thoáng và đứng yên hay ít di chuyển, tức là ảnh hưởng của môi trường xung quanh đối với cơn bão là cân bằng nên vùng gió mạnh xung quanh tâm bão có thể xem là tương đối tròn. Khi cơn bão di chuyển, chứng tỏ môi trường xung quanh đã có tác động không cân bằng tới nó, hoặc khi cơn bão bị ảnh hưởng của địa hình hay đang suy yếu, đặc biệt khi có sự kết hợp với một hệ thống thời tiết khác (ví dụ như không khí lạnh,…) thì hầu như vùng gió mạnh xung quanh tâm bão sẽ không còn tròn nữa và trở nên phức tạp.

Khi tâm bão đi qua, gió lại yếu dần đi một cách nhanh chóng. Nhiều người cho rằng bão đã qua và chủ quan trong phòng chống. Di chuyển khỏi nơi trú ẩn lúc này cực kỳ nguy hiểm bởi thực tế sau đó gió lại mạnh trở lại và đổi hướng. Nhiều người cho rằng bão quay trở lại. Cần phải hiểu đúng vấn đề này để tránh chủ quan trong phòng chống bão.

phong chong bao 1.jpg
phong chong bao 2.jpg
Nguồn: Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai

Các chuyên gia nhấn mạnh, chủ động tránh bão bằng cách theo dõi bản tin dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và tuân thủ tuyệt đối thông tin chỉ đạo của chính quyền địa phương trong việc chằng chống nhà cửa – đi sơ tán – không ra khỏi nơi trú ẩn khi chưa có hiệu lệnh của chỉ huy.

Phân loại cấp độ rủi ro thiên tai

Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão được xác định căn cứ theo Quyết định 18 ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai (gọi tắt là Quyết định 18).

Theo đó, tin bão khẩn cấp được ban hành khi bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam trong 48 giờ tới.

Bão hoặc áp thấp nhiệt đới đổ bộ là khi tâm bão, tâm áp thấp nhiệt đới đã vào đất liền. Bão hoặc áp thấp nhiệt đới tan là bão, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành vùng áp thấp có sức gió mạnh nhất dưới cấp 6.

Vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão hoặc áp thấp nhiệt đới là vùng thời tiết xấu, có mưa, có gió mạnh từ cấp 6 trở lên do bão hoặc áp thấp nhiệt đới gây ra.

w bao so 3 nam dinh 6 1775.jpg
Tại Cảng cá Ninh Cơ, thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu, Nam Định), các ngư dân hối hả chằng buộc tàu thuyền, di chuyển ngư cụ lên bờ để tránh bão số 3 sáng 6/9

Cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng trên các loại bản đồ, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai: Cấp 1 màu xanh dương nhạt là rủi ro thấp; cấp 2 màu vàng nhạt là trung bình; cấp 3 màu da cam là rủi ro lớn; cấp 4 màu đỏ là rủi ro rất lớn; cấp 5 màu tím là rủi ro ở mức thảm họa.

thien tai 2.jpg
Cấp độ rủi ro thiên tai do Bão áp thấp nhiệt đới
thien tai.jpg
Mô tả tiêu chí phân cấp rủi ro do thiên tai. Nguồn: Tổng cục Khí tượng thủy văn

Trong đó, rủi ro thiên tai cấp độ 3 gồm các trường hợp sau: Dự báo áp thấp nhiệt đới, bão cấp 8, cấp 9 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa); vùng biển ven bờ; đất liền khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ.

Dự báo bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa); vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên;

Dự báo bão rất mạnh cấp 12, cấp 13 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa).

Rủi ro thiên tai cấp độ 4 gồm các trường hợp sau: Dự báo bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ;

Dự báo bão rất mạnh cấp 12, cấp 13 hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.

Dự báo bão rất mạnh từ cấp 14, cấp 15 hoạt động trên vùng biển ven bờ; đất liền khu vực Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ.

Dự báo bão từ cấp 14 trở lên hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa).

Rủi ro thiên tai cấp độ 5 gồm các trường hợp sau: Dự báo bão rất mạnh cấp 12, cấp 13 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ.

Dự báo bão rất mạnh cấp 14, cấp 15 hoạt động trên đất liền các khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ.

Dự báo siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên vùng biển ven bờ; đất liền khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ.