Tăng cường công tác thông tin về giảm nghèo nhằm mục đích truyền tải kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và góp phần làm người nghèo thay đổi nhận thức, hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của công tác giảm nghèo, từ đó quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tại tỉnh Quảng Bình, nhiều địa bàn giao thông đi lại còn rất khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhận thức của người dân còn hạn chế, hệ thống cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn. Đây là những rào cản trong triển khai công tác giảm nghèo thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. 

Ảnh 1: Bản Dốc Mây, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình.
Bản Dốc Mây, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh còn rất nhiều khó khăn. Ảnh: Văn Tráng.

Dốc Mây là bản xa nhất của xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. Từ bìa rừng phải đi bộ hơn 13km mới đến bản. Đường đi lại quá khó khăn, 26 hộ với 138 nhân khẩu tại đây vẫn là hộ nghèo sống cảnh 6 không gồm: Không đường, không điện, không trạm, không chợ, không sóng truyền hình, không sóng điện thoại.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc kết nối với người dân địa phương, các công tác tuyên truyền, vận động và phổ biến các chủ trương, chính sách quan trọng đến với bà con gặp rất nhiều khó khăn.

Khi công tác tuyên truyền, vận động bị hạn chế thì việc thay đổi nhận thức, tư duy cho đồng bào cũng vô cùng gian nan. Cái nghèo, cái khổ vì thế đeo bám cuộc sống người dân từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

Không chỉ bản Dốc Mây, nhiều bản ở xã Tân Trạch, Thượng Trạch, huyện Bố Trạch cũng sống cảnh 5 không, 6 không nên việc tiếp cận thông tin rất khó khăn. Trong khi đó, một số bản tuy đã có điện, người dân cũng sử dụng điện thoại nhưng họ không dùng để xem tin tức, thời sự hay tiếp cận những thông tin cần thiết, bổ ích.

Vì vậy, nhận được sự quan tâm, hỗ trợ như nhau nhưng có bà con đã biết đổi mới tư duy, tận dụng nguồn lực hỗ trợ để mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống thì một số bà con ở nhiều bản vẫn có tư tưởng ỷ lại, thiếu ý chí vươn lên nên đói nghèo dai dẳng.

Dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, song khả năng tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản của đồng bào còn hạn chế và giảm nghèo thông tin cho các vùng này vẫn đang gặp khó.

Theo ông Hoàng Thanh Hiến, Phó Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình, giảm nghèo thông tin thực chất là tạo điều kiện cho bộ phận cư dân nghèo được tiếp cận chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan đến xóa đói giảm nghèo và những quyền lợi gắn bó thiết thực với cuộc sống của bà con. Để giảm nghèo thông tin cho đồng bào ở các địa bàn khó khăn thì đội ngũ tuyên truyền cơ sở phải được tăng cường.

Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực cho toàn bộ cán bộ truyền thông cơ sở cấp xã, thôn, bản trong tỉnh. Đồng thời đưa thông tin về các xã đặc biệt khó khăn qua các ấn phẩm in, ấn phẩm điện tử. Tăng cường cơ sở vật chất cho đài truyền thanh xã. Tuy nhiên, có xã còn chưa có điện nên việc triển khai tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giảm nghèo thông tin không kịp tiến độ đề ra. 

Bên cạnh thiếu phương tiện thì việc không có điều kiện để chi trả phí sử dụng dịch vụ cũng là những yếu tố cản trở bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tiếp cận thông tin. Do vậy, cần có phương án hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ viễn thông.

Song, việc này còn phụ thuộc vào nhận thức của bà con, chỉ khi người nghèo chủ động, dám nghĩ, dám làm, vượt khó đi lên bằng chính bàn tay, khối óc của mình, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng thì nhất định họ sẽ từng bước làm chủ được cuộc sống.

Được biết, giảm nghèo thông tin là 1 trong 6 mục tiêu giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 (bao gồm việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin). Trong đó, sự thiếu hụt thông tin với đồng bào dân tộc thiểu số, người sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… được xét trên 2 tiêu chí: Sử dụng dịch vụ viễn thông (hộ gia đình không có thành viên nào sử dụng dịch vụ Internet) và tài sản phục vụ tiếp cận thông tin (hộ gia đình không có phương tiện nào trong số các phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin: Phương tiện dùng chung gồm tivi, radio, máy tính để bàn, điện thoại; phương tiện cá nhân gồm máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh).

Hải Sâm