Sáng đèn đến khuya
Du lịch đã trở lại, du lịch đã hồi sinh,… là dòng trạng thái thể hiện sự vui mừng của không ít giám đốc DN lữ hành khi lượng khách đăng ký đi du lịch, không chỉ dịp lễ 30/4-1/5 mà ngay cả trước kỳ nghỉ và mùa hè sắp tới, tăng mạnh.
Đang dẫn hai đoàn khách đi Pleiku - Măng Đen (Kon Tum), ông Đoàn Tuấn, Trưởng phòng Du lịch trong nước, Công ty Du lịch dịch vụ Hà Nội (Hanoi Toserco), hào hứng cho hay, sau hơn 2 năm đóng băng, nhân viên công ty mới ở lại văn phòng làm việc khuya đến vậy. 22h đêm hôm trước, ông cùng mọi người vẫn tất tả hoàn thiện mọi công việc để 4h sáng hôm sau dẫn đoàn khách này đi Kon Tum.
“Số lượng khách đặt tour rất khả quan. Năm nay khách đặt sớm, khởi động lại các chuyến đi sau thời gian bí bách vì dịch bệnh. Dự báo hè này du lịch nội địa sẽ bùng nổ”.
Ông Tuấn tự tin nhận xét như vậy là bởi Hanoi Toserco đã chốt và ký hợp đồng cho 800 khách bay Đà Nẵng ở resort 5 sao, gồm hai đoàn từ 27-29/5 và 28-30/5. Một đoàn 1.700 khách khác cũng sẽ khởi hành đi Thanh Hóa vào tháng 6.
Giám đốc một DN lữ hành tại phố Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) miêu tả, không khí tại công ty ồn ào, náo nhiệt như trên sàn chứng khoán. Nhân viên không đủ thời gian tư vấn khách, nhất là khách lẻ, chỉ đặt dịch vụ vé máy bay và phòng khách sạn mà đi ngắn ngày. Ngay cả giám đốc cũng xắn tay cùng 7 nhân viên sales làm việc từ 8h sáng tới 9h tối vì thiếu người. Bà tiết lộ, dịp lễ 30/4-1/5 này không còn gì để bán vì đã hết từ lâu.
Tất nhiên, vị CEO này cho rằng khó có thể kỳ vọng lượng khách du lịch đặt tour trọn gói qua các đơn vị lữ hành đông như thời điểm trước dịch Covid-19 (năm 2019), cũng không phải DN nào cũng đón được lượng khách lớn tùy vào thương hiệu, uy tín và sự linh hoạt, thích ứng của từng đơn vị. Chưa kể, các yếu tố khác như nhân sự thiếu trầm trọng, dịch vụ còn đứt gãy, xu hướng du lịch thay đổi... cũng tác động đáng kể tới hoạt động lữ hành. Song, đây là bước khởi động lạc quan.
Ngay dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, một số công ty lữ hành nhận xét, có sự khác biệt rất lớn so với thời điểm trước dịch Covid-19 là khách chốt tour rất nhanh, không đắn đo cả vài tháng như trước, kể cả những đoàn đông trên 1.000 người.
Nhờ đó, trong tháng 3, Saigontourist đã tổ chức cho khoảng 3.000 du khách đến Đà Nẵng, trong đó có những đoàn lên tới 700 người. Tổng lượng khách tháng 3 toàn hệ thống phục vụ khoảng 80.000 khách. Trong tháng 4, riêng dịp giỗ Tổ 10/3, lượng khách là 8.000 lượt. Dự kiến dịp lễ 30/4-1/5, Saigontourist phục vụ 30.000-35.000 khách trong và ngoài nước.
Tại công ty du lịch Vietravel, số lượng khách đặt tour dịp lễ 30/4 đã lên tới 15.000 khách, tour hot còn rất ít chỗ. Sức mua tại Fiditour-Vietluxtour cũng tăng hơn 30-40% so với kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm ngoái.
Để tránh quá tải dịp lễ, nhiều du khách né bằng cách chọn đi sớm, hoặc để sau kỳ nghỉ. Một báo cáo của Booking.com năm 2022 cho thấy, 48% người Việt chọn đi du lịch mùa thấp điểm hoặc chọn những điểm đến hấp dẫn nhưng vắng vẻ. Theo bà Trần Thị Bảo Thu, đại diện truyền thông Công ty Lữ hành Fiditour-Vietluxtour, thay vì chọn đến Côn Đảo, Phú Quốc,... khách có thể đến các vùng biển ở Quy Nhơn, Phú Yên tuy hạn chế về các khu vui chơi sầm uất nhưng rất phù hợp để các gia đình thư giãn nghỉ ngơi; thay vì chen chân ở Đà Lạt, khách nên tham khảo điểm đến Buôn Mê Thuột với khí hậu và địa hình tương đương, lại có nhiều trải nghiệm khám phá thú vị...
Thiếu người nhưng không dám tuyển mạnh
Tại Mũi Né (Phan Thiết), ghi nhận của PV cho thấy, để có đủ nhân sự phục vụ khách dự báo sẽ tăng vọt dịp nghỉ lễ và hè tới, có khách sạn treo băng rôn tuyển dụng tất cả các vị trí. Có resort thiếu người, cuối tuần khách đông nên nhân viên chăm sóc khách hàng kiêm luôn cả lễ tân, phục vụ buồng bàn và làm tài xế xe điện,… Tuy nhiên, một nhân viên tại đây chia sẻ, số người đi làm lại hoặc tuyển dụng mới tại resort này còn hạn chế do lượng khách chưa đồng đều, chỉ đông vào các ngày lễ và dịp cuối tuần.
Bà Ngữ Thị Ngần, Tổng giám đốc HanoiTourism, đánh giá, hiện nhân sự du lịch thiếu một cách toàn diện, ở tất cả các mảng. Các cơ sở lưu trú, nhà hàng thiếu nhân viên phục vụ, bar bếp, buồng phòng,... nên phục vụ chậm khi đông khách, khiến khách khó chịu. Với lữ hành, những vị trí như tư vấn, điều hành tour, marketing online,... các công ty cần rất nhiều nhưng tuyển vô cùng khó khăn.
Lý do, theo bà Ngần, là bởi các nhân sự cũ đã có việc làm khác với thu nhập ổn định, trong khi du lịch nội địa vẫn phập phù lúc đông lúc vắng thì du lịch quốc tế chưa thực sự hồi phục. Để người lao động trong ngành quay lại với nghề, cần có thời gian để thuyết phục họ.
Vi thế, CEO một DN lữ hành cho hay bản thân công ty cũng chưa dám tuyển nhiều. Một số đơn vị đăng thông báo tuyển ồ ạt, tuyển mạnh nhưng cũng chỉ theo thời vụ khi khách nội địa tăng cao. Thực tế có DN chỉ tuyển được khoảng 10% nhu cầu.
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng gay gắt, Trung tâm phát triển nguồn nhân lực du lịch tại HanoiTourism liên tục mở các lớp đào tạo, số lượng đông đảo. Học viên chủ yếu là sinh viên các trường, cử nhân vừa ra trường 1-2 năm nhưng không có kinh nghiệm thực tế, đơn đặt hàng đào tạo lại của các DN sau thời gian "ngủ đông" vì dịch bệnh và các DN cần tư vấn, cơ cấu lại tổ chức bộ máy nhân sự phù hợp với tình hình mới.
Nhân lực khan hiếm cộng với khả năng cung ứng dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu bùng nổ của khách du lịch hiện là rào cản đối với hoạt động lữ hành. Vì thế, vị CEO trên cho rằng, ít nhất phải hết năm nay, khi lượng khách tồn, khách mua tour bảo lưu (cả nội địa và quốc tế) được giải quyết, thì du lịch mới vận hành ổn định trở lại như trước.
Ngọc Hà