Sa Pa (Lào Cai) là một trong những điểm đến hấp dẫn bậc nhất miền Bắc, thu hút rất đông du khách nước ngoài tới khám phá và trải nghiệm hàng năm, nhờ cảnh quan xanh mát, có nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, hòa mình vào thiên nhiên.

Ngoài tham gia cấy lúa, lội ruộng, cưỡi trâu… nhiều khách Tây gần đây đến Sa Pa còn thích thú với trải nghiệm lên rừng hái lá “thần dược”, làm loại nước tắm trứ danh của người Dao đỏ ở bản Tả Phìn, nằm cách thị trấn Sa Pa khoảng 15km.

449744162_10161740903914772_8621568589220880022_n.jpg
Bản Tả Phìn nổi tiếng với “đặc sản” tắm lá thuốc của người Dao đỏ. Ảnh: Ngo Hong Quang

Bản Tả Phìn là nơi có cộng đồng dân tộc Dao đỏ sinh sống và hiện vẫn giữ được nhiều phong tục tập quán truyền thống, trong đó có bài thuốc tắm lá bí truyền. Họ kết hợp các loại lá thuốc hái được từ trên rừng, đem về nấu thành nước tắm.

Loại nước này được cho là tốt cho phụ nữ sau sinh hay làm giảm cảm giác mệt mỏi, đau nhức...

Chị Mẩy Kim (một người Dao đỏ hiện sinh sống ở đội 4, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, Lào Cai) cho biết, lên rừng hái lá tắm là một trong những trải nghiệm được nhiều du khách nước ngoài yêu thích và lựa chọn khi ghé thăm nơi đây.

Tại cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú của gia đình chị Mẩy Kim, mỗi tour hái lá tắm có giá khoảng 35 USD (gần 900.000 đồng) cho 1 - 2 khách.

Tham gia tour, du khách nước ngoài sẽ được thuyết minh viên kiêm hướng dẫn viên là người bản địa đưa vào rừng hái lá và giới thiệu về các loại lá tắm. “Du khách được trực tiếp hái các loại lá tươi hay học hỏi thêm về những loại rau rừng”, chị nói.

Khách Tây thích thú đeo gùi, đội nón lá chuối, lên rừng hái lá "thần dược" ở Sa Pa

Người phụ nữ này cũng cho hay, lượng khách tới đây trải nghiệm lên rừng hái lá tắm chủ yếu đến từ các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp và Thụy Sĩ.

Họ rất bất ngờ vì ở Sa Pa vẫn còn lưu giữ được những loại thảo dược tự nhiên tốt cho sức khỏe – vốn hiếm có hoặc ít người biết đến ở phương Tây.

Theo chị Mẩy Kim, để tham gia hái lá tắm, du khách sẽ vượt quãng đường 6 - 7km tới rừng. Đôi khi, họ còn phải di chuyển tới nhiều quả đồi, ngọn núi xa hơn để hái được nhiều loại lá tắm quý hiếm.

“Nhiều khách Tây vào rừng hái lá tắm còn bị vắt cắn, khóc um lên. Song, họ vẫn thích được đi và tìm hiểu các loại lá tốt cho sức khỏe”, chị Mẩy Kim kể.

Chị tiết lộ, du khách có thể trải nghiệm hái lá tắm ở Tả Phìn quanh năm. Các loại lá mà khách hái chủ yếu giúp chữa đau xương khớp, ngoài ra còn một số loại có công dụng trị ho, giúp giảm mệt mỏi, căng thẳng.

Sau khi lên rừng hái lá, họ sẽ được hướng dẫn cách đun lá làm nước tắm và trực tiếp sử dụng luôn.

Chị Mẩy Kim cho biết thêm, nước tắm lá theo truyền thống của người Dao đỏ thường dùng đến hơn 10 loại lá thuốc, thậm chí có khi dùng tới nhiều hơn 30 loại khác nhau.

Nước tắm sau khi đun được đổ vào thùng gỗ. Du khách sẽ ngâm mình trong đó khoảng 15 – 20 phút.

Ngoài hái lá làm nước tắm, khách Tây còn được tìm hiểu và hướng dẫn thu hoạch các loại rau rừng, nông sản hữu cơ về chế biến món ăn

Theo chị, loại nước tắm này thơm mùi thảo dược và du khách có thể cảm nhận được hiệu quả rõ rệt ngay sau lần trải nghiệm đầu tiên. Tuy nhiên, nhiều du khách lần đầu chưa quen có thể bị say nước tắm lá.

“Người to khỏe cỡ mấy cũng chỉ ngâm nước tắm lá khoảng 15 – 30 phút là phải ra ngay, vì nếu tắm lâu dễ say lắm”, chị kể.

Tới Tả Phìn, ngoài trải nghiệm lên rừng hái lá tắm, du khách còn có thể học thêu, nấu ăn như người bản địa.

Chị Kayla, một du khách đến từ Anh cho biết rất ấn tượng với nước tắm lá của người Dao đỏ ở bản Tả Phìn. Chị đã hai lần thử tắm loại nước này và bất ngờ vì “cơ thể được phục hồi một cách đáng kinh ngạc”.

“Sau khi ngồi xe máy một chặng đường dài tới bản Tả Phìn và được ngâm mình trong nước tắm lá, tôi thực sự thấy sảng khoái, cơ thể giảm bớt cảm giác ê ẩm và đau nhức hơn.

Mùi nước tắm cũng rất thơm. Tôi còn mua các loại lá khô mang về để tặng bạn bè, người thân”, nữ du khách chia sẻ.

Ảnh, video: Mẩy Kim Dao đỏ