Nơi chấp nhận, nơi không 

Khi khách hàng thanh toán qua máy POS/mPOS (thiết bị chấp nhận thẻ) hoặc qua quét mã code QR (mã thanh toán), các điểm kinh doanh phải trả phí dịch vụ cho ngân hàng. Nhưng trong mùa dịch COVID-19 này, khi lượng khách thanh toán bằng quẹt thẻ tăng cao, các điểm kinh doanh ngang nhiên thu phí của khách để bù lại chi phí thanh toán này. 

Chị Thu Ngân - ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM - mua nhu yếu phẩm tại một đại lý gần nhà, nơi có chương trình liên kết với các ngân hàng, quét mã thanh toán (VNPAY-QR), khách được giảm 10%/hóa đơn cho mỗi lần thanh toán và giảm 50.000 đồng cho mỗi hóa đơn 500.000 đồng (áp dụng một lần/tuần). Chị Ngân dùng phần mềm của ngân hàng Vietcombank cài đặt sẵn trên điện thoại quét mã QR để được giảm giá. Sau khi đã được giảm giá 50.000 đồng trên hóa đơn 500.000 đồng, chị tiếp tục nhận được thông tin mã ưu đãi giảm giá 20%, tối đa 100.000 đồng cho đơn hàng sau. 

{keywords}
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bổ sung quy định xử phạt từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi phân biệt giá trong thanh toán, thu phí từ chủ thẻ

Thế nhưng, thay vì khuyến khích khách hàng thanh toán bằng thẻ, bằng mobile banking, đại lý này lại không chấp nhận, thậm chí yêu cầu khách phải trả phí giao dịch. “Tôi trở lại mua sắm tiếp để dùng mã ưu đãi thì đại lý này không chấp nhận cho quét mã nữa, yêu cầu phải trả tiền mặt với lý do cửa hàng bán lời không bao nhiêu mà phải tốn tiền phí trả cho ngân hàng. Sau một hồi cự cãi, nhân viên ở đây mới đồng ý cho tôi quét mã thanh toán nhưng yêu cầu tôi phải trả phí 10%. Thật quá vô lý” - chị Ngân bức xúc.

Một số cửa hàng thời trang dù trang bị máy quét thẻ nhưng lại hạn chế việc khách cà thẻ thanh toán. “Em cà thẻ là chị mất hơn 20.000 đồng tiền phí. Nếu trả bằng thẻ, em phải bù thêm cho chị mức phí này. Chị không muốn đặt máy chút nào, nhưng giờ khách đi mua hàng toàn cà thẻ” -  chủ một cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp than vãn khi chúng tôi muốn thanh toán hóa đơn mua quần áo hơn một triệu đồng bằng thẻ visa hoặc ATM.

Hiện nay, hầu như chỉ các siêu thị không buộc người tiêu dùng  trả thêm phí giao dịch, chỉ trả đúng số tiền trong hóa đơn khi mua hàng, thanh toán bằng thẻ, ví điện tử, mã QR.  

Thu phí chủ thẻ có thể bị phạt 30-50 triệu đồng 

Đại diện cổng thanh toán VNPAY-QR khẳng định, VNPAY-QR được tích hợp vào mobile banking trên điện thoại di động của khách hàng để thanh toán tiện lợi. Người dùng không mất phí, lại còn được hưởng các ưu đãi từ các chương trình khuyến mãi.

Còn theo đại diện Công ty cổ phần Công nghệ mPOS, mức phí của mPOS rất rõ ràng, điểm chấp nhận thanh toán trả phí từ 0,5-2,5% theo giao dịch. Công ty thu  phí này từ chủ cửa hàng, không thu từ khách hàng. Cửa hàng nào có lắp máy mPOS mà tự thu phí từ khách hàng là sai quy định.  

{keywords}
Hiện việc thanh toán không tiền mặt chỉ phổ biến tại các hệ thống siêu thị

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chi nhánh TP.HCM - cho biết, chỉ trong tháng Ba, NHNN đã hai lần yêu cầu các ngân hàng miễn, giảm phí chuyển tiền liên ngân hàng nhằm thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt và hạn chế lây lan vi-rút gây bệnh COVID-19.

Từ sau tết Canh Tý đến nay (giai đoạn bắt đầu bùng phát dịch COVID-19 và được miễn, giảm phí chuyển tiền), tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống chuyển mạch tài chính của NHNN tăng 76% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy xu hướng tăng sử dụng các giao dịch trực tuyến và các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo ông Minh, việc các điểm bán hàng thu phí quẹt thẻ của khách sẽ khiến khách có ác cảm khi quẹt thẻ, gián tiếp ngăn cản chủ trương của Nhà nước. Thời gian qua, NHNN đã ban hành quy chế phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ. Nếu phát hiện chủ cửa hàng thu phí, ngân hàng phải dừng ký hợp đồng thanh toán thẻ trong thời hạn một năm; nếu chủ cửa hàng tái phạm thì không ký hợp đồng thanh toán thẻ 3-5 năm. Đặc biệt, NHNN đã bổ sung quy định xử phạt từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi phân biệt giá trong thanh toán hay thu phí từ chủ thẻ.  

“Thời gian qua, NHNN cũng phối hợp với các tổ chức thẻ quốc tế Visa, MasterCard để xử lý hiện tượng thu phí của các điểm chấp nhận thẻ này. Ngoài ra, NHNN còn yêu cầu ban chỉ đạo phát triển máy POS, mPOS tại các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan thuế, quản lý thị trường, sở công thương và các ngân hàng kiểm tra, yêu cầu điểm chấp nhận thẻ không được thu phí; ngân hàng phải chịu trách nhiệm khi để các điểm chấp nhận thẻ thu phí của khách hàng” - ông Minh thông tin. 

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế - cho rằng, dịch COVID-19 lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp là cơ hội lớn để phát triển các loại hình thanh toán không dùng tiền mặt. Trong thời điểm có dịch bệnh như hiện nay, chính các ngân hàng đem đến một nguồn khách không nhỏ cho cửa hàng thông qua các chương trình khuyến mãi. Nếu điểm nào thu phí, khách hàng từ chối mua hàng thì điểm bán sẽ hiểu chính họ tự làm mất khách. 

Theo ông Hiếu, trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung nguồn lực tạo ra các giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam. Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên toàn quốc, cần phải thông qua mạng lưới hệ thống ngân hàng, các công ty công nghệ tài chính (fintech), các dịch vụ mobile money, ví điện tử và các kênh thanh toán hiện đại khác.

(Theo Báo Phụ nữ)