(Nguồn: Zing)
Sự việc xảy ra trước giờ bay chuyến nội địa của hãng West Air đi từ Trịnh Châu tới Thâm Quyến, Trung Quốc, ngày 25/5 vừa qua. Chuyến bay buộc phải khởi hành trễ giờ vì điều kiện thời tiết xấu.
Tuy nhiên, một vị khách nam người Trung Quốc tỏ ý bất bình với hãng bay. Đứng trước quầy check in, người này nổi giận rồi yêu cầu nhân viên của hãng phải quỳ gối xin lỗi mình và những hành khách có mặt tại đó.
Hành khách người Trung Quốc bắt tiếp viên hãng bay quỳ xuống xin lỗi vì máy bay trễ chuyến |
Trong đoạn video gần 30 giây đang lan truyền trên mạng xã hội cho thấy người đàn ông lớn tiếng yêu cầu nhân viên sân bay quỳ gối xin lỗi, đồng thời chỉ tay vào mặt người này một cách giận dữ.
Đáp trả lại, nhân viên hãng bay vẫn bình tĩnh trả lời: “Tôi chỉ là nhân viên thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Anh không được xỉ nhục tôi”.
Sự việc xảy ra tại sân bay quốc tế Xinzheng, thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc |
Lời đáp trả càng khiến hành khách nam tức tối. Anh ta tuyên bố “quỳ xuống không phải là sự xỉ nhục” vì cho rằng “đây là người đại diện hãng bay” nên phải xin lỗi hành khách. “Quỳ xuống thể hiện sự chân thành”, người này nói thêm.
Sự căng thẳng gia tăng khiến những hành khách xung quanh cố xoa dịu tình hình. “Một lời xin lỗi đâu có làm được gì”, một người lên tiếng.
Phản ứng thái quá của một hành khách người Trung Quốc khiến cộng đồng mạng rất bất bình, yêu cầu hãng bay nên cấm người này bay vĩnh viễn.
Hiện đại diện hãng bay West Air đã lên tiếng xác nhận vụ việc. Họ cho biết, chuyến bay mang số hiệu PN6311 bị trì hoãn gần 1 tiếng và khởi hành lúc 20h02 ngày 25/5.
Chuyến bay thứ 2 mang số hiệu PN6322 khởi hành chậm gần 4 tiếng, cất cánh lúc 2h30 sáng ngày 26/5. Tất cả đều do điều kiện thời tiết xấu dẫn tới trễ chuyến.
Hãng bay West Air đã lên tiếng xác nhận vụ việc |
Trung Quốc đang làm mạnh tay với những khách du lịch ngang ngược, có hành vi kém văn minh nhằm nâng cao ý thức cộng đồng khi đi du lịch, đồng thời thực hiện hệ thống tín dụng xã hội trên toàn quốc.
Với khách du lịch bị chính quyền liệt kê “ý thức kém” sẽ bị lưu hồ sơ xấu trong vòng tối đa 10 năm. Điều này hạn chế khả năng đi lại của họ, đồng thời ảnh hưởng tới điểm tín dụng xã hội.
Kể từ năm 2014 tới nay, khoảng 13 triệu người Trung Quốc nằm trong “danh sách đen”. Trong số đó có những trường hợp bị cấm đi tàu hỏa hoặc máy bay.
(Theo Dân trí)