- Mở ra một cánh cửa thiêng liêng, háo hức cho học sinh trong ngày khai trường - nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ điều này trong "Góc nhìn thẳng".
Thưa ông, cho đến thời điểm này, ký ức còn đọng lại trong ông ở buổi khai trường đầu tiên là gì?
- Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ rằng tất cả những người đã bước chân vào trường học đều mang trong mình những ký ức về ngôi trường mà họ đã từng học tập ở đó, đặc biệt là ngày khai giảng đầu tiên trong cuộc đời của một con người. Nó không bao giờ có thể lãng quên cho dù nó có thể nhiều sắc độ khác nhau, và có thể nói đôi khi nó trở thành một di sản trong tâm hồn của người đó cho đến tận lúc đã già khi họ đưa con, đưa cháu họ đến trường. Và ký ức của ngày khai giảng đầu tiên lại vang lên trong chính họ.
Và có những người bạn vong niên của tôi, đã hơn 70 tuổi đưa cháu đến trường và họ nói rằng hôm nay họ cảm giác như trở lại cái thuở mấy chục năm về trước. Họ bước đến, tiếng trống trường vang lên và tất cả những điều gì đó thật kỳ diệu đã hiện ra với họ.
Với tôi, ngày khai trường đầu tiên cũng đầy ấn tượng. Hồi đó là những năm tháng ở làng quê xa xôi, nghèo khó, năm tháng chiến tranh, và tôi nhớ mãi cái đêm trước ngày khai trường đó. Đêm đó không ngủ được và tôi thường giật mình tỉnh giấc và hỏi mẹ tôi rằng đã đến giờ đến trường chưa.
Tôi đã thức dậy nhiều lần trong đêm đó vì tôi sợ muộn mất ngày khai trường đó. Trong hiện thực có rất nhiều người đã lỡ cái ngày khai trường đầu tiên của mình. Và có thể nói đối với một số người cái việc lỡ nhịp, không đến dự kịp ngày khai trường bởi một lý do nào đó đã trở thành một sự tổn thương trong tâm hồn họ. Sự tổn thương này không chỉ ở ngay ngày hôm đó mà nó theo họ trong nhiều năm của cấp tiểu học, đến tận trung học.
Tôi nghĩ rằng ngày khai trường là một ngày vô cùng đặc biệt. Nó mang đến cho đứa trẻ một thay đổi lớn lao. Một thế giới mở ra và chúng bước vào đó với toàn bộ háo hức, toàn bộ rung vang và cho đến bây giờ dù đã già nua, thậm chí là trước cái chết, khi khép mắt lại thì một trong những ký ức lớn nhất, đẹp đẽ nhất và thổn thức nhất chính là tiếng trống vang lên trong ngày khai trường.
- Vâng, tôi không nghi ngờ gì việc ngày khai trường là một ngày vô cùng cảm xúc và đáng nhớ. Thế nhưng, những năm gần đây tôi cũng nghe được nhiều lời bình luận khác về ngày khai trường. Ví dụ như ngày khai trường ngày xưa thì mát mẻ, thoải mái, học sinh háo hức. Còn bây giờ, ngày khai trường học sinh phải đứng nắng, thầy cô thì đứng ở trong bóng râm. Ngày khai trường thậm chí còn trở thành một màn trình diễn của các quan chức….
Theo ông, nếu như ông quay trở lại là một học sinh cấp một thì ông muốn ngày khai trường của ông như thế nào?
Tôi nghĩ ngày khai trường không chỉ có ý nghĩa với học sinh Việt Nam, mà còn với học sinh trên toàn thế giới. Ngày xưa, văn học dịch đã nói về ngày khai trường, về nhà trường, nói về tất cả những điều huyền diệu trong ngày khai trường đầu tiên của cuộc đời một con người. Ngày nay đã khác đi như chị nói. Nó đang xa rời những điều gì đó. Nó đang đánh mất một điều gì đó. Vẫn trường học đấy, vẫn thầy cô đấy, vẫn tiếng trống đấy, vẫn cờ hoa đấy nhưng tất cả đã xa xôi, lạ lùng với những đứa trẻ.
Tôi nghĩ rằng ngày khai trường đầu tiên với một đứa trẻ sau tiếng trống vang lên là hai cánh cửa mở ra một thế giới khác cho những đứa trẻ bước vào đó với toàn bộ tất cả sự rung vang và hồi hộp nhưng chúng ta đã mở sai cánh cửa ấy. Chúng ta đã mở cánh cửa cho những người lớn, ở đó có những bài diễn văn quá cầu kỳ, quá sáo mòn, quá nặng nề, dài và những nghi lễ hóa ra không phải ngày khai trường mà chúng ta mở cánh cửa cho thế giới của chúng, mà từ nơi ấy chúng bắt đầu chạm vào những điều đẹp đẽ, những cảm xúc và lớn dần lên. Mà ngày khai trường ấy, cánh cửa ấy là mở cho những người lớn. Tôi nghĩ đó là sự sai lầm. Chúng ta đã mở nhầm cánh cửa, nên đã dẫn đến những điều như chị vừa nói trong câu hỏi của chị.
- Theo ông thì sự mệt mỏi ấy nó có ảnh hưởng thế nào đến tâm lý của học sinh trong suốt một năm học?
Tôi nghĩ rằng cái khởi đầu vô cùng quan trọng, đặc biệt với những đứa trẻ lần đầu tiên đến trường. Chúng đến đó với toàn bộ sự tò mò, háo hức như chính chúng ta đã trải qua ngày khai trường đó. Sự trong sáng trong tâm hồn những đứa trẻ không đổi thay so với cách đây 20 năm, 30 năm hay 100 năm trước. Sự tò mò của đứa trẻ cũng không đổi thay. Tất cả diễn biến tâm lý của đứa trẻ không đổi thay. Có một điều quan trọng nhất trong ngày khai trường đầu tiên mà trường học không được đổi thay, cho dù có thể thay đổi rất nhiều điều khác, đó là tạo ra một thế giới khác, một thế giới của những vẻ đẹp, của những bí mật, của tình bạn, của bao nhiêu điều kỳ diệu khác chờ đợi đứa trẻ. Những kiến thức như 2 + 2 bằng bao nhiêu đương nhiên là cần thiết nhưng nó đứng bên cạnh.
Một nhà giáo dục lớn ở Mỹ nói rằng “ở đó những con toán sẽ trở nên vô nghĩa và có thể trở thành kẻ thù của những đứa trẻ nếu những con toán đó không được viết lên trong một tấm bảng của những điều kỳ diệu khác mà thầy cô mang đến”.
- Nếu như đặt địa vị là một học sinh thì ông muốn thiết kế ngày khai giảng đó diễn ra như thế nào?
Ở đấy không phải là một công việc hành chính, mà là một lễ hội. Một lễ hội này phải chứa đựng tất cả những thứ gì đứa trẻ đang đợi chờ. Nếu tôi là một hiệu trưởng, tôi sẽ tổ chức một ngày khai trường như thế. Quốc ca được vang lên bởi những đứa trẻ của lớp trước. Trống vang lên, những điều giản dị và tuyệt vời nhất được vang lên. Trên mỗi một bàn, tên của mỗi học sinh được đặt ở đó. Chúng bước vào, ngồi xuống và nơi đấy trở thành một thế giới của chúng. Thầy cô bước vào lớp. Tôi không biết bây giờ khai giảng các thầy cô sẽ nói gì trong buổi đầu tiên của đứa trẻ lớp 1. Ở đó phải nói cho chúng về ngôi trường đó, nói về lịch sử nhưng theo một cách thức hoàn toàn đẹp đẽ và trong sáng, nói về chỗ ngồi đấy, bởi trong mỗi bàn ghế đó không phải chỉ mình chúng ngồi. Trước đó đã có những người khác ngồi, có thể một bộ bàn ghế trong nhà trường có độ tuổi vài chục năm, hàng trăm năm, thì trên mỗi ghế ngồi của đứa trẻ hôm nay đến, thầy cô nói với chúng rằng ở đấy có người đã ngồi đó, đã viết, đã học và đã trở thành những người quan trọng trong lịch sử. Những người trở thành thần tượng của chúng, trở thành những người anh hùng, những thi sĩ, những nghệ sĩ, những nhà bác học…
Chúng ta có nhiều cách thức để làm ra ngày đầu tiên vô cùng hệ trọng và quan trọng đấy. Điều này đừng coi thường bởi vì trong cái nền tảng mà mang đến cảm xúc đầu tiên, những sắc thái mở ra đầu tiên, những món ăn mở ra đầu tiên, những bông hoa mở ra đầu tiên, ngọn gió đầu tiên hay những giai điệu, bản nhạc vang lên đầu tiên. Nó quyết định một điều gì rất hệ trọng trong tâm hồn một đứa trẻ bắt đầu lớn lên.
- Trước đây, trẻ em khai giảng rồi mới bước vào học, điều này tạo ra sự mới mẻ, tò mò, hứng khởi cho trẻ em khi học nhưng hiện nay thường đi học khoảng hai tuần rối mới khai giảng. Cá nhân ông ủng hộ khai giảng trước hay khai giảng sau khi đã học?
Câu hỏi rất thú vị. Đây không phải là câu hỏi của chị hay của VietNamNet, mà là câu hỏi của hàng ngàn, hàng triệu phụ huynh. Bởi vì họ không thể lý giải được tại sao chúng ta phải học trước để đến nửa tháng, một tháng mới khai giảng. Chúng ta không thể trả lời điều này. Đã có những người làm giáo dục, giáo viên đã lý giải với tôi điều này nhưng không thuyết phục nổi tôi, vì điều đó là phi lý. Trường học phải là nơi tạo ra một điều gì đó lớn lao hơn một giáo trình, một phép cộng, một phép chia. Điều đó rất quan trọng nhưng chúng ta đã không làm được điều đó.
Không có lý do gì mà chúng ta lại chạy tràn trước đi, để đến khi tới ngày khai trường đến thì tất cả sự thiêng liêng, những điều gì đó đầy quyễn rũ, tò mò đã tan biến trước đó rồi. Nó phải đến trong sự hồi hộp nhất và cánh cửa được mở ra. Tôi tin chắc rằng đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng không thể thuyết phục tôi hay rất nhiều người khác quan tâm tới nền giáo dục rằng chúng ta cần phải học trước 15 ngày hay 30 ngày thì đứa trẻ mới trở thành một đứa trẻ quan trọng. Và có thể nói với đồng chí Bộ trưởng và các nhà giáo dục rằng đó có thể là một sai lầm trong sự thiện chí của chúng ta rằng chúng ta mang lại trong cách thức khác, tinh thần khác và những bí mật khác trong một ngôi trường.
- VietNamNet