GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, chia sẻ với PV. VietNamNet về con đường để đưa đất nước hùng cường, trở nên phồn thịnh.

- Kinh tế 2018 có nhiều con số tích cực. Điều nhiều người quan tâm là ngoài ý nghĩa tích cực về số lượng, theo ông, kinh tế 2018 có sự thay đổi về chất như thế nào?

GS.TS Trần Thọ Đạt: Năm 2018 là năm mà bức tranh kinh tế - xã hội thành công khá toàn diện với 12/12 chỉ tiêu phát triển đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó điểm sáng nhất là tăng trưởng GDP đạt mức kỷ lục 7,08%, mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua, cho thấy nền kinh tế đã hồi phục và nhiều khả năng tiệm cận một quỹ đạo tăng trưởng mới. Mức tăng trưởng này của năm 2018 càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh quốc tế, khu vực có những biến động phức tạp, chiến tranh thương mại, biến động tỷ giá, lãi suất,... 

{keywords}
GS.TS Trần Thọ Đạt

Điểm đáng ghi nhận là cùng với tốc độ tăng trưởng cao là nền tảng kinh tế vĩ mô duy trì được ổn định vững chắc, lạm phát được kiểm soát dưới 4% (là năm thứ 5 liên tiếp tốc độ tăng trưởng cao hơn lạm phát), các nền tảng kinh tế vĩ mô khác được củng cố, tín dụng tăng trưởng thấp hơn,... Các chỉ số phản ánh chất lượng tăng trưởng năm 2018 tiếp tục có sự cải thiện: chỉ số ICOR thấp hơn, đóng góp của TFP (năng suất các yếu tố tổng hợp) bình quân 3 năm 2016-2018 cao hơn hẳn so với giai đoạn 5 năm trước, năng suất lao động tăng cao hơn nhiều so với giai đoạn trước,…

Động lực tăng trưởng được duy trì từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, từ khu vực nông nghiệp và không còn phụ thuộc vào tín dụng và khai khoáng như trước đây, chứng tỏ mô hình tăng trưởng đã có chuyển biến, chuyển dần từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu.

Như vậy, có thể nói năm 2018, chúng ta đạt được “mục tiêu kép”: vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP ở mức cao, vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện chất lượng tăng trưởng.

- Dù tăng trưởng 2018 đạt 7,08% nhưng mục tiêu đặt ra cho 2019 chỉ là 6,6-6,8%. Liệu có phải Chính phủ đã rất thận trọng khi đặt ra mục tiêu này?

Hiện nền kinh tế nước ta vẫn có nhiều thách thức và tồn tại đã kéo dài, chất lượng tăng trưởng có cải thiện nhưng chậm, chưa bền vững; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp, yếu tố mang tính đột phá để tạo ra một quỹ đạo tăng trưởng mới vững chắc chưa hình thành rõ nét. Tỷ lệ nợ công, nợ nước ngoài có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, nghĩa vụ trả nợ lớn, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp chậm, giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng là một điểm nghẽn tăng trường cần sớm giải quyết, hiệu lực thực thi chính sách được đánh giá là còn yếu.

Trong bối cảnh còn nhiều trở ngại như vậy, việc đề ra một mục tiêu tăng trưởng vừa phải để đặt mục tiêu ưu tiên là cần phải tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là hợp lý.

Khi môi trường kinh tế vĩ mô thực sự ổn định, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài yên tâm xúc tiến các dự án đầu tư mới thì chính các doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài, lòng tin của người tiêu dùng sẽ là các tác nhân thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng của chính phủ một cách bền vững.

- Năm 2018 qua đi, nhiều thử thách đang chờ cho 2019. Vậy chiến tranh thương mại, sự giảm tốc tăng trưởng của các nền kinh tế ảnh hưởng thế nào đến mục tiêu tăng trưởng của 2019, thưa ông?

Một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ Quốc tế gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu với lo ngại về suy giảm kinh tế khu vực châu Âu. Do độ mở của nền kinh tế trong nước đang ngày càng cao nên cùng với rủi ro tăng trưởng toàn cầu chậm lại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ có ảnh hưởng rõ hơn đến Việt nam, vì đây là hai đối tác thương mại chính.

Cần có những nghiên cứu định lượng tốt hơn để phản ánh được những tác động đan xen cả từ phía tích cực và tiêu cực. Các yếu tố tích cực thấy rõ là xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc và từ đó mang lại cơ hội cho gia tăng thu hút FDI đối với Việt Nam.

{keywords}
Tăng trưởng GDP phải cao và liên tục thì Việt Nam mới thoát được nguy cơ tụt hậu.

Ở phía tiêu cực, do tác động của chiến tranh thương mại, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại, nhu cầu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc giảm sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Những nhân tố này phần nào sẽ tác động đến thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong năm 2019.

Để gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước những rủi ro từ bên ngoài, các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ cần có “bộ đệm” lớn hơn, dư địa và không gian để các chính sách này điều chỉnh cần được tăng cường, tức là các chính sách không ở “ngưỡng cận biên”. Chẳng hạn, tín dụng cần tăng trưởng thấp hơn nữa (hiện tại vẫn gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế), thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ công vẫn ở mức cao,...

- Với đà tăng trưởng 6,7% đến trên 7% như hiện nay, chúng ta có thể bớt lo lắng hơn về khả năng tụt hậu của nền kinh tế mà nhiều chuyên gia đã cảnh báo hay không thưa ông?

Trước hết, cần lưu ý rằng việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP cao không mâu thuẫn với mục tiêu phát triển bền vững và lâu dài, nếu phương thức đạt được tăng trưởng không phải là gia tăng số lượng các yếu tố “đầu vào”, mà là tăng trưởng dựa trên tiến bộ công nghệ, dựa trên năng suất lao động.

Thực tế lịch sử tăng trưởng của một số nền kinh tế như Nhật bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, và ngay cả nền kinh tế quy mô lớn như Trung Quốc cũng đã có quãng thời gian tăng trường hai chữ số trong hàng chục năm liên tục. Việt Nam là một điểm sáng về quãng thời gian có tăng trưởng liên tục, nhưng ta chưa đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm khi so sánh với nhiều nền kinh tế khác.

Trong 30 năm tăng trưởng liên tục vừa qua, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã trải qua nhiều quãng thời gian trồi sụt (ở thời điểm có khủng hoảng tài chính khu vực 1997-1998 và khủng hoảng kinh tế quy mô toàn cầu năm 2008). 

Sau hơn 30 năm đổi mới, nước ta vẫn đang ở nhóm các nước thu nhập trung bình thấp, nguy cơ tụt hậu vẫn đang là thách thức lớn nhất trên con đường phát triển. Nếu không duy trì tăng trưởng cao và liên tục, không thể bắt kịp các nước khác, trước hết là trong khu vực.

Để đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035, tăng trưởng GDP cần phải duy trì ở mức khoảng 7,5%. Đây là một thách thức rất lớn nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn và có những biến động khó lường.

- Con đường để Việt Nam hùng cường, vươn lên top đầu ASEAN và khu vực châu Á liệu có ngoài tầm với Việt Nam? Ưu tiên hàng đầu để kinh tế Việt Nam vươn lên mạnh mẽ và bền vững là gì theo quan điểm của ông?

Muốn trở thành một đất nước phồn thịnh, sánh kịp với các nước, trước hết là trong khu vực, cần phải liên tục duy trì, khai thác các dư địa còn tiềm năng, đồng thời luôn biết tận dụng các cơ hội mới tạo thêm động lực tăng trưởng để hình thành chắc chắn một quỹ đạo tăng trưởng cao hơn, ở mức 7-8%/năm.

Vấn đề mấu chốt cần giải quyết trong năm 2019 và đặt nền móng cho các năm tiếp theo là cần kiên trì cải thiện tổng cung của nền kinh tế, theo đó một mặt tăng được mức sản lượng tiềm năng, mặt khác gia tăng được năng suất và chất lượng tăng trưởng một cách bền vững.

Có nhiều ưu tiên để kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững, trong đó tiếp tục cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh luôn là dư địa không bao giờ cạn. Phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới cũng là xu thể không thể đảo ngược và cần những giải pháp để kinh tế tư nhân thực sự là “động lực kinh tế quan trọng” và trở thành điểm đột phá trong 5-10 năm tới.

- Xin cảm ơn GS.TS Trần Thọ Đạt!

Lương Bằng (thực hiện)