Sáng nay (12/2), tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về vị trí, vai trò, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng so với các vùng trong cả nước và một số lĩnh vực có thể so với khu vực và thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Với diện tích tự nhiên 21.278 km² (chiếm 6,41% tổng diện tích cả nước), vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo. Là cửa ngõ phía Bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc. Là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế.

Tăng trưởng kinh tế của vùng bình quân giai đoạn 2005-2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước. Quy mô kinh tế tăng nhanh, đến năm 2020 gấp 7,75 lần so với năm 2005, chiếm 29,4% GDP cả nước.

Vùng cũng có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng thứ hai cả nước. Địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đứng thứ hai cả nước, chiếm 31,4% tổng vốn FDI cả nước...

Dù đạt được nhiều thành tựu, song Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng bày tỏ băn khoăn, trăn trở về những khó khăn, thách thức còn tồn tại cản trở cho sự phát triển của vùng.

Đó là kinh tế xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Các địa phương phát triển không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp, hạ tầng giao thông thiếu kết nối, chủ yếu đường bộ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Minh Hà

Hạ tầng du lịch còn yếu, hệ thống đô thị phát triển chưa đồng bộ; quản lý đất đai, tài nguyên môi trường còn bất cập, ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp. Phát triển văn hóa - xã hội, đào tạo nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu...

Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư mới

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan và 11 địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: "Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước".

Tập trung hoàn thiện thể chế, quy hoạch vùng và chính sách liên kết vùng. Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế biển, dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thủ tướng lưu ý việc phát triển hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, bền vững, theo mạng lưới và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ưu tiên nguồn lực xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế. Phải phát triển vùng trở thành trung tâm KHCN gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước.

Sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất đai, nước. Thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm "hợp tác và phát triển" trong thu hút đầu tư. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt tinh thần luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, lắng nghe, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết.

Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách đột phá để tăng cường thu hút đầu tư. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công khai, minh bạch, đối thoại, kịp thời giải quyết. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư mới, nhất là các dự án có tính lan tỏa cao.

Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển, Thủ tướng đề nghị tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, đẩy mạnh đầu tư vào vùng. Đồng thời, có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác, tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tinh thần "Đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện hiệu quả", bằng năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm để chuyển hóa những tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bằng sông Hồng thành những sản phẩm, công trình cụ thể, giá trị cụ thể, đo lường được, tạo động lực phát triển.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã cắt băng khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật và gian hàng trưng bày các sản phẩm vùng đồng bằng sông Hồng.

Triển lãm khắc họa những thế mạnh về công nghiệp, dịch vụ, du lịch của các tỉnh, thành phố trong vùng, những nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa, tinh thần, đậm đà bản sắc văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng.