Theo bản án sơ thẩm, đối với tài sản kê biên liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn có 2 thửa đất hơn 4.000 m2 thuộc dự án đấu giá quyền sử dụng đất ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội.

Bản án sơ thẩm cho rằng, nguồn gốc tài sản trên là của Nhà nước cho Công ty Cổ phần Bất động sản AIC thuê từ tháng 7/2010- 2/2018 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thời điểm đó, sáng lập công ty gồm 5 cổ đông, trong đó bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đại diện Công ty AIC góp vốn 60 tỷ đồng, sở hữu 600 ngàn cổ phần (tỷ lệ góp vốn 17,14%) vốn điều lệ. Bản thân bà Nhàn góp vốn 125 tỷ đồng, sở hữu 1,25 triệu cổ phần, tương đương 35,72% vốn điều lệ.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ AIC

Ngày 14/4/2021, bà Nguyễn Thị Thanh nhàn cùng 11 cổ đông sở hữu 6,3 triệu cổ phần (tỷ lệ góp vốn 100%) vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Bất động sản AIC đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần hơn 1.300 tỷ đồng cho 3 công ty: Công ty cổ phần BĐS Prime Land, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thái Sơn và Công ty cổ phần phát triển Thành phố Xanh.

Bà Nhàn đã nhận thanh toán hơn 230 tỷ đồng của Công ty cổ phần BĐS Prime Land. Số tiền chưa thanh toán còn hơn 468 tỷ đồng.

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 16, ngày 24/11/2022 cho thấy, Công ty Cổ phần Bất động sản AIC có các cổ đông gồm: Công ty cổ phần BĐS Prime Land, Công ty cổ phần Tập đoàn R&H và 1 cá nhân có tên Phạm Thị Hạnh.

Như vậy, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Công ty AIC không còn là cổ đông của Công ty Cổ phần Bất động sản AIC. Tuy nhiên, với các tài liệu trong hồ sơ thì chưa thể xác định số tiền mà Công ty Cổ phần Bất động sản AIC đã thanh toán đầy đủ cho bà Nhàn hay chưa.

Do đó, cần giao tài sản trên cho VKSND Tối cao phối hợp với CQĐT Bộ Công an tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Từ nhận định trên, HĐXX cấp sơ thẩm không chấp nhận đề nghị của Công ty Cổ phần Bất động sản AIC về việc kiến nghị hủy bỏ kê biên lô đất hơn 4.000 m2 tại ô đất ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Là bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án, Công ty Cổ phần Bất động sản AIC đã làm đơn kháng cáo nội dung nêu trên theo hướng hủy bỏ lệnh kê biên của CQĐT vì cho rằng: Khu đất hơn 4.000 m2 tại ô đất ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội không thuộc quyền sở hữu hay sử dụng của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng như Công ty AIC.

Công ty Cổ phần Bất động sản AIC là chủ sử dụng đất hợp pháp duy nhất đối với khu đất trên. Công ty AIC và Công ty Cổ phần Bất động sản AIC là hai pháp nhân độc lập, không có bất kỳ mối liên hệ nào. 

Công ty AIC cũng chưa bao giờ là chủ sử dụng hay quản lý hợp pháp khu đất trên. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Thanh nhàn không còn là cổ đông và không có bất kỳ quyền lợi, nghĩa vụ nào với Công ty Cổ phần Bất động sản AIC kể từ ngày 14/4/2021.

Trước phiên tòa phúc thẩm vụ AIC diễn ra vào ngày 22/5 tới, Công ty AIC cũng có đơn kháng cáo phần dân sự của bản án sơ thẩm, đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm đánh giá lại giá trị thiệt hại mà công ty phải bồi thường. Theo bản án sơ thẩm, Công ty AIC phải bồi thường 15 tỷ đồng.