Thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116 của Chính phủ và Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ, đến đầu tháng 11, toàn tỉnh đã có 95.337 người lao động được nhận hỗ trợ.

Trong đó, riêng về trợ cấp thất nghiệp, theo Trung tâm Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh đã có 11.817 trường hợp người lao động được hưởng. Theo lãnh đạo Trung tâm, đáng tiếc là nhiều trường hợp mất việc, thất nghiệp nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo qui định.

Để giải quyết số lượng hồ sơ 'khổng lồ' này (Gần 2 năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch, dịch vụ ở Khánh Hòa rơi vào cảnh đóng băng, lao động mất việc ở mức nhiều chưa từng thấy - PV), cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa đã có lúc rơi vào tình trạng 'quá tải'. 

Công tác hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục cho người lao động đã được cải tiến và hết sức linh hoạt. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tăng cường tư vấn về đào tạo nghề và kết nối việc làm trong - ngoài tỉnh.

Qua thống kê, tính đến giữa tháng 11, đã có hơn 2.000 lao động từ các tỉnh phía nam được hỗ trợ đón về địa phương hoặc do người dân tự trở về. Qua khảo sát có khoảng 40% người lao động trở về có nhu cầu, mong muốn được ở lại làm việc, học nghề tại quê hương. 

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan để khảo sát lại nhu cầu việc làm, học nghề của những người lao động của địa phương trở về từ các tỉnh, thành khác. Trên cơ sở đó sẽ thông báo mời họ tham dự các phiên giao dịch việc làm được tổ chức lưu động tại các địa phương để kết nối cho người lao động gặp gỡ trực tiếp với các doanh nghiệp tuyển dụng. Đồng thời tư vấn học nghề, hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp cho người lao động lựa chọn thông qua website và các trang mạng xã hội…

{keywords}
Khánh Hòa có gần 12 nghìn trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp

Trong tháng cuối năm, Trung tâm Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa cho biết, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp rất cao. Trung bình mỗi tháng có từ 600 - 1.000 vị trí việc làm cần tuyển dụng, trong đó tập trung cho lĩnh vực Chế biến thủy sản – Công nghệ thực phẩm chiếm đến 48%; Dệt – May – Giày da trên 12%; Maketing – Kinh doanh - Thương mại trên 8%.

Ông Chu Văn Công, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Khánh Hòa cho biết mặc dù nhu cầu tuyển dụng lao động lớn, các vị trí lao động không yêu cầu trình độ chuyên môn cao, nhưng người lao động ở địa phương mới quay trở lại một cách dè dặt.

Theo ông Công, trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp như: Tăng cường kết nối, phát triển nguồn lao động từ bộ đội, công an xuất ngũ, học viên từ các trường nghề cung ứng cho thị trường lao động; Thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động, thông tin người tìm việc; Tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, các phiên giới thiệu việc làm lưu động, các phiên giao dịch việc làm trực tuyến để hỗ trợ kết nối người lao động và doanh nghiệp.

Đồng thời Trung tâm cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động trong và ngoài nước trên trang website của Trung tâm và phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Tăng cường các hoạt động tư vấn tạo nguồn và hỗ trợ tìm kiếm việc làm tại thị trường lao động ngoài nước cho người lao động.

Chi Nguyễn