Sáng nay (23/9), UBND tỉnh Bình Dương tổ chức lễ khánh thành Dự án xây dựng cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai (nối Bình Dương với Đồng Nai) và Dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng.
Đây là 2 dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng sau gần 3 năm thi công với hạ tầng hiện đại.
Công trình xây dựng Cầu Bạch Đằng 2 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư, có vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.
Dự án được khởi công vào tháng 12/2021, dự kiến hoàn thành sau 450 ngày. Tuy nhiên, do bị vướng mặt bằng và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên bị chậm trễ tới nay.
Công trình bao gồm hạng mục cầu và đường dẫn 2 đầu cầu với tổng chiều dài khoảng 2,8km. Riêng phần cầu bắc qua sông Đồng Nai dài hơn 400m, rộng 17m với 4 làn xe.
Việc đưa vào sử dụng Cầu Bạch Đằng 2 giúp kết nối TP Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) với huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa 2 địa phương này. Đồng thời, dự án còn giúp kết nối vùng trong khu vực Đông Nam Bộ, sân bay Long Thành và các cảng biển lớn.
Cũng trong sáng nay, dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng cũng được khánh thành sau gần 3 năm xây dựng.
UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh kết nối 3 địa phương quan trọng ở phía Bắc là huyện Bắc Tân Uyên, huyện Phú Giáo và huyện Bàu Bàng.
Dự án có chiều dài gần 48 km, quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng.
Điểm đầu của dự án tại ngã ba Tân Thành giao nhau với đường ĐT746 (huyện Bắc Tân Uyên) và điểm cuối tại thị trấn Lai Uyên (huyện Bàu Bàng). Trong đó, đoạn đi qua Bàu Bàng dài khoảng gần 8,6km, đoạn đi qua Phú Giáo khoảng 30km, còn lại là đoạn đi qua huyện Bắc Tân Uyên khoảng gần 10km.
Theo UBND huyện Bàu Bàng, đoạn đi qua địa bàn huyện khởi công từ tháng 10/2021. Toàn bộ đoạn này có vốn đầu tư khoảng 480 tỷ đồng do UBND huyện Bàu Bàng làm chủ đầu tư.
Riêng đoạn qua huyện Bàu Bàng đã khánh thành từ tháng 4 vừa qua, kết nối giao thông với các trục đường chính như Quốc lộ 13, ĐH 613… từ đó giúp nâng cao hiệu quả khai thác những lợi thế, tiềm năng trên địa bàn huyện Bàu Bàng; rút ngắn khoảng cách đi lại, vận chuyển hàng hóa trong khu vực.
Đây được xem là một trong những tuyến đường hiện đại của tỉnh Bình Dương với hạ tầng đồng bộ, tạo đà phát triển kinh tế xã hội các địa phương phía Bắc tỉnh Bình Dương.