CTCP Đạt Phương (DPG) đã hoàn tất huy động 81 tỷ trái phiếu không chuyển đổi, kỳ hạn 2 năm, lãi suất xuyên suốt kỳ hạn là 11,5%/năm, chủ yếu từ nhà đầu tư cá nhân với tài sản đảm bảo là cổ phần đang lưu hành và tự do chuyển nhượng của công ty này, thuộc sở hữu ban lãnh đạo có giá trị luôn ít nhất bằng 150% tổng giá trị trái phiếu phát hành.
Việc phát hành trái phiếu để huy động vốn của các DN có tính chất không khác gì mấy so với vay vốn của ngân hàng hàng. Đây cũng là một xu hướng mới và nổi bật trên thị trường tài chính trong năm 2019.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp cũng đã phải chuyển qua nguồn vốn trái phiếu trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thắt chặt quản lý dòng vốn cho vay của các ngân hàng cũng như đối với một số lĩnh vực. Các ngân hàng phải đảm bảo đáp ứng được các quy định mới thì mới có thể tiếp tục cho vay.
Thị trường bất động sản có dấu hiệu chùng xuống, nguồn tiền cho các doanh nghiệp eo hẹp. |
Trong tháng trước, CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) đã hoàn tất đợt phát hành trái phiếu không chuyển đổi lần thứ 9 với tổng giá trị 110 tỷ đồng với lãi suất 13%/năm. Trái phiếu có tài sản đảm bảo và kỳ trả lãi 3 tháng/lần.
Tổng cộng từ đầu năm, PDR đã huy động khoảng 1.800 tỷ đồng qua trái phiếu, lãi suất cao nhất lên đến 14,45%.
Còn theo HNX, trong tháng 10/2019, Công ty TNHH Vinametric (cùng với Noral là chủ sở hữu khách sạn Saigon Prince Vinametric) đã thực hiện 24 đợt phát hành trái phiếu thu về tổng cộng 3.705 tỷ đồng. Hầu hết là trái phiếu không chuyển đổi, có kỳ hạn 24 tháng với mức lãi suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên là 10,5%/năm.
Cũng trong tháng 10, Sơn Kim Land đã phát hành riêng lẻ 400 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 9,5%/năm xuyên suốt kỳ hạn trái phiếu, cho ngân hàng OCB.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu sôi động từ cuối 2018 và đặc biệt bùng nổ trong 2019 trong bối cnarh khối các doanh nghiệp bất động sản tăng cường huy động vốn trước sự siết chặt nguồn vốn tín dụng nhà băng.
Gần như đồng thời, dư nợ trái phiếu bất động sản tại một số ngân hàng đang tăng mạnh, điển hình như MBBank đẩy mạnh hoạt động này với những lô mua hàng trăm tỷ trái phiếu của Phát Đạt, của Cáp treo Bà Nà hay PQC Convention,...
Các doanh nghiệp tìm đến trái phiếu. |
Thị trường bất động sản gần đây có dấu hiệu trầm lắng với hoạt động mua bán đều chững lại. Đây là một yếu tố tiềm ẩn rủi ro cho cả ngân hàng cũng như doanh nghiệp đi vay. NHNN cũng đã có yêu cầu các NHTM không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành và tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư trái phiếu, hạn chế nợ xấu phát sinh.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), sáng 10/12 chỉ số VN-Index giảm nhẹ. Cả 3 cổ phiếu họ Vingroup đều giảm. Vingroup giảm 1.600 đồng xuống còn 114.300 đồng/cp; cổ phiếu bất động sản Vinhomes giảm 1.000 đồng xuống 91.000 đồng/cp.
Cổ phiếu ngành tiêu dùng MSN tiếp tục giảm sâu sau cú thâu tóm hệ thống bán lẻ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. MSN giảm 2.000 đồng xuống còn 58.500 đồng/cp.
Trong các blue-chíp, chỉ có Vietcombank và Sabeco tăng nhẹ; Bảo Việt tăng 2.800 đồng/cp lên 68.500 đồng/cp.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn khá thận trọng.
Theo BVSC, VN-Index dự báo tiếp tục quá trình tích lũy trong biên độ từ 958-960 điểm và 969-970 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Quá trình tích lũy này được xem là cần thiết giúp cân bằng lại trạng thái cung cầu ở các nhóm cổ phiếu sau một nhịp sụt giảm mạnh.
Thị trường cần bứt phá thành công qua ngưỡng cản quanh 970 điểm để xác nhận cho khả năng bước vào nhịp hồi phục và tiến đến thử thách vùng kháng cự tiếp theo nằm tại 980-985 điểm trong ngắn hạn. Về mặt thời gian, BVSC cho rằng, thị trường sẽ có diễn biến khởi sắc hơn trong giai đoạn nửa cuối tháng 12, đặc biệt là sau khi kỳ tái cơ cấu của các quỹ ETFs qua đi.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/12, VN-Index tăng 2,5 điểm lên 966,06 điểm; HNX-Index giảm 0,14 điểm lên 102,36 điểm. Upcom-Index giảm 0,14 điểm xuống 55,79 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 5,2 ngàn tỷ đồng.
V. Hà