Trong một chuyến ra Trường Sa, thành viên đoàn công tác có tổng giám đốc của một công ty lớn. Doanh nghiệp của ông đóng góp cho ngân sách địa phương hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Vậy mà khi ở Trường Sa có một câu nói của ông khiến chúng tôi nhớ mãi: “Khi ở đất liền, mỗi lần họp hành tổng kết, tỉnh luôn biểu dương đơn vị mình đóng góp hàng trăm tỷ đồng mình cũng thấy oách lắm. Nhưng ra tới Trường Sa, nhìn thấy sự hy sinh của những người lính, người dân nơi đầu sóng, mình chợt thấy con số hàng trăm tỷ đóng góp hàng năm cho đất nước quá ư bé nhỏ! Không một con số tiền bạc nào lượng hóa được những gì mình đã chứng kiến trong mười ngày qua!”. Tâm sự của vị doanh nhân ấy thực sự khiến tôi nhớ mãi khi nghĩ về phên dậu Tổ quốc giữa trùng dương, và cả những trải nghiệm sau 5 chuyến đi đi về về cùng quần đảo bão tố trong 15 năm qua!

le the thang sa ky.jpg
Nguồn lực to lớn từ biển. Ảnh: Thế Thắng

Chạm mặt bão biển

Chuyến ra Trường Sa đầu tiên của tôi vào năm 2009, một hải trình kéo dài hai tuần, dù chuyến đi đầu tiên nhưng cũng đã kịp trải nghiệm... bão biển! Ngày thứ mười của hành trình, đoàn chúng tôi lên đảo Thuyền Chài, nhìn cơn mưa đang vần vũ phía Tây, sóng đang lặng bỗng chuyển dựng đứng ào ào vỗ vào thềm đảo, chỉ huy đoàn công tác là Đại tá Đinh Gia Thật (sau này ông là Phó Đô đốc, Chính ủy Quân chủng) hối thúc đại úy Đặng Ngọc Nam đảo trưởng cho thuyền CQ (một dạng thuyền máy cao tốc đặc chủng) chở anh em trong đoàn khẩn trương ra tàu HQ 957.

Chuyến xuồng thứ ba cập mạn tàu HQ 957, gương mặt Trung tá Phạm Văn Hưng, thuyền trưởng như giãn ra: “May quá, chậm chút nữa thì có thể các anh phải ở lại báo cơm trên đảo Thuyền Chài ít ra một tuần nữa. Đài vừa báo có áp thấp nhiệt đới!”. Nghe thuyền trưởng Hưng nói, mọi người mới để ý thấy biển đã âm âm một sắc nước thẫm màu, sóng cuộn lên đập ầm ào vào thành tàu nhưng không ai nghĩ là sẽ có một cơn bão đang đến.

Thật khó có thể tưởng tượng nổi một đoàn đại biểu gần cả trăm người sẽ kẹt lại trên đảo chìm với một ngôi nhà “lâu bền” rộng chỉ vài chục mét vuông, chưa nói đến ăn nghỉ, chỉ riêng chỗ để đứng cho ngần ấy con người không bị mưa tạt ướt thôi đã là khó khăn, nói chi chuyện ăn uống vệ sinh cả tuần liền.

Hú vía! Khi người cuối cùng leo lên tàu, tàu nhổ neo đi tiếp về đảo An Bang thì sóng đã từ cấp 3 cấp 4 bắt đầu dựng lên, những cô gái vừa tươi vui hát hò giao lưu trên đảo Thuyền Chài ban sáng bắt đầu thấy nôn nao, đẩy cửa phòng toa lét đã thấy “dấu vết” mà anh em gọi đùa là cầu thủ đội “Arser - nôn” và “Liver - fun”. Hành trình từ đảo Thuyền Chài về An Bang tàu đi trong màn mưa mù mịt, tuy nhiên ai cũng nghĩ nếu neo đậu tại đây để sáng mai lên đảo theo lịch trình thì sẽ sóng yên bể lặng như 9 ngày trước của hành trình. Nhưng bản tin thời tiết trong chương trình thời sự của đài Tiếng nói Việt Nam lúc 18h cho biết áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên, có khả năng thành bão số 1 thì gương mặt mọi người đã không còn hy vọng như lúc chiều. Sóng đã mạnh dần lên, không thể tiếp tục thả neo, nhất là đảm bảo an toàn cho chuyến hành trình đầu tiên này. Lệnh của đất liền đưa tàu về, tạm thời không ghé lên điểm đảo An Bang và khu vực nhà giàn DK 1.

Rúc hồi còi dài tạm biệt An Bang, tàu chuyển hướng về phía Nam - Tây Nam, tránh tầm ảnh hưởng của bão và đề phòng hoàn lưu bão. Tôi lần lên cabin tàu, thuyền trưởng Phạm Văn Hưng sau một đêm chỉ huy tàu né bão chỉ vào tấm bản đồ trên bàn cabin bảo với tôi: “Đêm qua tàu đã vượt hơn 60 hải lý khác với hải trình ban đầu, sau đó mới chuyển hướng về phía Vũng Tàu”.

Nhưng ấn tượng với Trường Sa trong chuyến đi 15 năm trước không chỉ là cú chạm trán với bão biển. Tôi nhớ mãi buổi sáng ngày 5/5/2009, con tàu HQ 957 chở đoàn công tác về tới khu vực bãi Phúc Tần. Việc lên các nhà giàn đã không được thực hiện bởi sóng vẫn còn rất to.

Từ ca bin của tàu, thủ trưởng của đoàn công tác cùng các đoàn viên chỉ có thể giao lưu với các chiến sĩ trên nhà giàn qua bộ đàm. Và cái cảnh “gần nhau trong tấc gang mà biển trời cách mặt” ấy khiến tất cả đều khóc, nước mắt chan chứa trên má người lính già, trên gương mặt những bạn trẻ, chúng tôi cứ mặc cho nước mắt lăn dài, gào lên với các anh lính trẻ đang vẫy cờ xa xa trên đỉnh nhà giàn trong tiếng sóng gió gầm gào. Nỗi khắc khoải ấy đã ám ảnh trong chúng tôi cho đến khi về đến TP.HCM.

eo gio quy nhon.jpeg
Ảnh: Hoàng Hà

Và chỉ vài ngày sau đó, chúng đã lập tức tìm về Vũng Tàu để gặp những người lính DK1 suốt 20 năm làm nhiệm vụ giữ thềm lục địa ấy! Chúng tôi trở lại với những nhà giàn DK1 mà mấy tuần trước không thể lên do bão biển! Bãi Phúc Tần trên thềm lục địa phía Nam, đêm 27/6/2009. Đó là một đêm khó quên. Trên con tàu HQ 621, nhìn về bóng nhà giàn DK 1/17 như lẫn vào đêm đại dương mịt mùng khi bóng đèn cuối cùng trên nhà giàn cũng tắt. Chưa bao giờ khát vọng thắp sáng nhà giàn trong chúng tôi lại cháy bỏng như giờ khắc ấy. Xin trích ghi lại đây những dòng thư một người gửi chúng tôi: “Tôi và các bạn tôi không còn trẻ lắm. 20 năm chúng tôi yêu đương, 20 năm xây dựng hạnh phúc gia đình, 20 năm kiếm tiền và xây được cho mình một ngôi nhà khang trang, 20 năm học hành và thành đạt công danh... Trong khi đó, anh em hải quân của chúng ta đã dành trọn khoảng đời trai trẻ đó cho biển cả quê hương. Điều đó làm tôi giật mình nhìn lại bản thân khi đầu óc bao nhiêu năm nay cứ luẩn quẩn với bài toán hơn thiệt mỗi ngày, với những chỉ số chứng khoán và số tiền kiếm được...Cảm ơn bài báo đã làm tôi và bạn bè xúc động, có lúc đã rơi nước mắt với câu chuyện anh em DK1. Hãy làm một cái gì đó cho những người lính DK1. Chúng tôi sẽ ủng hộ hết lòng”.

Có hàng vạn người có cùng suy nghĩ như trên. Sau đó lan thành một phong trào sâu rộng trong cả nước hướng về Trường Sa và thềm lục địa mang tên “Góp đá xây Trường Sa” diễn ra suốt nhiều năm qua.

Nguồn lực của biển

Những ai đã ra Trường Sa sẽ hiểu mỗi viên đá, mỗi xô cát đưa được từ đất liền ra đây sẽ gian khổ đến ngần nào. Nhưng cũng vì thế mà tình yêu biển đảo trong mỗi người Việt Nam ngày càng dày lên theo chiều cao nền đảo. Trong file tư liệu Trường Sa của tôi, chiếm nhiều nhất là hình ảnh những người lính đang oằn vai vác những viên đá, những bao cát để tôn cao lên nền đảo. Ai đã ra đảo Trường Sa Đông tầm 15 năm trước sẽ thấy cột mốc chủ quyền của đảo được xây giản dị, sơn màu xanh nước biển với những dòng chữ đề tên quốc gia, tên đảo và các chỉ số tọa độ: 8 độ 55’ Bắc và 112 độ 21’ Đông.

Nhìn xuống chân cột mốc và chợt bất ngờ nhận ra cái mỏ neo biểu trưng của hải quân đắp nổi dưới chân cột chỉ còn nhô lên một phần nhỏ, còn toàn bộ thân và mỏ neo đã chìm sâu dưới đất. Nghĩa là đã có hàng ngàn khối đất đã được mang ra đắp lên đảo, cho đảo cao dần lên, đất dày lên cho cây cối thêm xanh, thêm bóng mát cho chim về làm tổ. Để có ngần ấy đất, cao đến mức che khuất cả một phần mỏ neo như vậy hẳn là đã bền bỉ lắm, trường kỳ lắm. Đó là hình ảnh 15 năm trước, còn bây giờ, chỉ cần vào Google Map để nhìn cũng đủ thấy diện mạo mới của Trường Sa hôm nay.

Và chỉ cần nhìn vào những gì đang hiện hữu sẽ biết rằng để có được điều đó đất nước đã phải đầu tư rất lớn. Và tôi lại nhớ về câu nói của người bạn doanh nhân trong chuyến đi năm nào: “Ở đất liền đóng góp ngân sách vài trăm tỷ nghĩ là lớn, ra đây mới thấy sự đóng góp ấy quá ư bé nhỏ”. Nó nhỏ so với nguồn kinh phí khổng lồ để tôn tạo, phát triển, biến mỗi hòn đảo trên quần đảo thành những pháo đài giữa trùng khơi. Và nó cũng nhỏ so với sự hy sinh của những người dân, người lính đã vì Trường Sa suốt bao thế kỷ qua. Thế kỷ 21 được xác định là “thế kỷ biển và đại dương”. Nguồn tài nguyên trong đất liền ngày càng cạn kiệt, nhiều quốc gia trên thế giới tập trung nguồn lực tiến ra biển. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam không chỉ là không gian chủ quyền, là phên dậu trùng khơi che chắn cho Tổ quốc mà đây cũng là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, nhất là trong lĩnh vực năng lượng.

Mỗi lần ra Trường Sa, hình ảnh ấn tượng nhất là khi tàu xuyên qua vùng khai thác dầu khí. Trong đêm tối, ngọn lửa và ánh điện từ các giàn khoan trên thềm lục địa rực sáng và sinh động như một thành phố nổi. Và với vị trí địa lý chiến lược của mình, nơi giao lưu của những tuyến hàng hải quan trọng, với nguồn tài nguyên khổng lồ đang ẩn giấu trong lòng biển, mỗi lần ra với Trường Sa lại cảm phục và tự hào về cha ông bao thế kỷ trước đã rẽ sóng vượt trùng dương mở cõi, để rồi trao lại cho con cháu hôm nay:

Cho con biển rộng sông dài

Cho con lưỡi kiếm đã mài ngàn năm

(Thu Bồn)