Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/12, chỉ số VN-Index giảm 2,2 điểm xuống 1.007,09 điểm. HNX-Index giảm 1,23 điểm xuống 205,31 điểm. Upcom-Index giảm nhẹ xuống 70,83 điểm. Thanh khoản giảm mạnh xuống chỉ còn 7.700 tỷ đồng trên 3 sàn, trong đó có 6.733 tỷ đồng trên HOSE.
Thị trường trải qua một năm thăng trầm, nhiều biến động.
Tính chung cả năm 2022, chỉ số VN-Index giảm 34%, từ mức đỉnh 1.525,58 điểm ghi nhận trong phiên đầu năm xuống còn 1.007,09 điểm vào cuối năm.
Thị trường chứng khoán tăng bùng nổ trong năm 2021 và tiếp tục đứng quanh mức cao kỷ lục trong quý I/2022.
Ngay trong phiên đầu tiên của năm mới (4/1/2022), VN-Index lập đỉnh lịch sử mới với cú tăng 27,3 điểm lên 1.525,58 điểm với thanh khoản rất cao, lên tới hơn 28.600 tỷ đồng nhờ sức nóng lan truyền từ năm cũ 2021.
Tuy nhiên, áp lực chốt lời bắt đầu giờ tăng trong tháng 3 và giá cổ phiếu bắt đầu giảm nhanh từ đầu tháng 4/2022.
Sau đợt bán giải chấp đối với các nhà đầu tư cá nhân kéo dài từ tháng 4, 5, 6, thị trường ghi nhận sự hồi phục đôi chút trong tháng 7 và cả tháng 8, trước khi bước vào một đợt giảm sâu mới.
VN-Index từ mức khoảng 1.525 điểm hồi đầu tháng 4 rớt xuống 1.150 điểm hồi đầu tháng 7 trước khi tăng trở lại lên 1.290 điểm vào cuối tháng 8.
Cú giảm sâu nhất là trong tháng 9, tháng 10 và nửa đầu tháng 11 khi mà áp lực bán giải chấp diễn ra trên diện rộng khi thanh khoản giảm trên các thị trường và các cơ quan chức năng tập trung kiểm soát lạm phát và tỷ giá.
Cuộc khủng hoảng trên thị trường trái phiếu sau sự kiện Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát đã buộc nhiều doanh nghiệp vốn dĩ đang thiếu vốn lại phải xoay tiền bằng mọi cách để giải quyết vấn đề trái phiếu phát hành riêng lẻ.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản bị bán giải chấp khối lượng lớn cổ phiếu, khiến giá lao dốc, nhiều mã mất 80-90%. Chi số VN-Index tụt về đáy 873,8 điểm trong buổi sáng ngày 16/11.
Tín hiệu tích cực
Sức cầu bắt đáy của các nhà đầu tư trong nước cùng với cú mua vào ở mức cao kỷ lục của khối ngoại trong tháng 11 và tháng 12 đã giúp thị trường chứng khoán hồi phục mạnh trong khoảng 3 tuần, từ giữa tháng 11 tới đầu tháng 12. Chỉ số VN-Index có lúc lên gần 1.100 điểm, trước khi giảm trở lại trong 3 tuần cuối năm và về mức 1.007,09 điểm.
Hiện tại, VN-Index đang chạm cản vùng 1.020-1.030 điểm. Xu hướng chính hiện tại vẫn là giảm nhưng ngắn hạn thị trường đang tạo được vùng hỗ trợ quanh vùng 1.000 điểm. Thanh khoản sụt giảm mạnh cùng với tâm lý e dè trước kỳ nghỉ lễ Tết khiến giá cổ phiếu chịu nhiều áp lực.
Mặc dù thanh khoản thấp vào thời điểm cuối năm nhưng thị trường chứng khoán được dự báo tích cực trong năm 2023 nhờ nền thấp, rủi ro đã được phản ánh phần lớn vào giá cổ phiếu. Nền kinh tế vẫn khá tích cực được cho là điểm tựa cho thị trường chứng khoán trong năm mới.
Hiện, giới đầu tư kỳ vọng vào các nỗ lực giải ngân đầu tư công và quyết tâm của Chính phủ đối với các dự án trọng điểm (trong đó có dự án cao tốc Bắc Nam và sân bay Long Thành). Việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sau đại dịch Covid cũng mang đến tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp Việt trong nhiều ngành như xuất nhập khẩu, du lịch, nguyên vật liệu…
Theo Chứng khoán TPS, việc Trung Quốc nới lỏng Zero-Covid được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến giao thương toàn cầu, nối lại các chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn. Đồng thời, CPI của Mỹ hạ nhiệt sẽ giúp Fed giảm tốc độ tăng lãi suất.
Vĩ mô ổn định với tỷ giá đã được kiểm soát tương đối tốt, lạm phát ở mức thấp… cũng giúp các doanh nghiệp dễ tiếp cận được dòng vốn và thanh khoản sẽ bớt áp lực hơn trong năm 2023. Việc Chính phủ có thể sửa đổi Nghị định 65 về thị trường trái phiếu có thể sẽ khiến lãi suất trên hệ thống ngân hàng đảo chiều giảm…
Theo TPS, ngân hàng trung ương các nước có thể giảm tốc độ tăng lãi suất và sau đó là nới lỏng chính sách thắt chặt tiền tệ, qua đó kích thích tiêu dùng tăng trở lại. Xuất khẩu Việt Nam sẽ tốt lên. Theo kịch bản tích cực, VN-Index có thể đạt 1.373-1.436 điểm trong năm 2023.
Chứng khoán ACBS cho rằng, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ vượt đỉnh cũ để tiến lên 1.550 điểm vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, những khó khăn vĩ mô dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong đầu năm 2023.