Nuôi biển công nghiệp – hướng đi của nhiều địa phương

Tại các hội thảo về nghề nuôi biển được Bộ NN&PTNT tổ chức tại các địa phương, trong các đề xuất về chính sách thì nhiều doanh nghiệp và ngư dân đều có chung kiến nghị là cần giao biển cho họ, bởi không gian cho nghề nuôi biển đang bị cạnh tranh gay gắt với các ngành kinh tế biển khác như: đóng tàu, cảng cá/vận tải-logistic, điện gió gần bờ cho tới không gian của các khu bảo tồn biển.

Theo Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, ngành nuôi biển đang vấp phải 8 “điểm nghẽn”, gồm: Thiếu quy hoạch không gian biển; Thiếu cơ chế giao biển (mặt nước) cho tổ chức, cá nhân nuôi biển; Thiếu tiêu chuẩn và quy chuẩn về nuôi biển; Chưa có thủ tục đăng kiểm cơ sở và phương tiện nuôi biển; Chưa có bảo hiểm cho cơ sở nuôi biển; Chưa có chính sách rõ ràng hỗ trợ phát triển cho hoạt động nuôi biển; Thiếu nhân lực được đào tạo bài bản về nuôi biển; Thiếu nguồn tín dụng cho hoạt động nuôi biển.

Cũng chính vì chưa có quy hoạch không gian biển cho các thành phần kinh tế nên ngành nuôi biển đang thiếu không gian, nói đúng hơn là ngư dân và doanh nghiệp đang “khát biển” cho nghề nuôi biển. Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, hiện trên 90% diện tích nuôi biển của Việt Nam vẫn theo dạng thủ công (lồng bè và cách thức chăn nuôi cũ). Do đó, để chuyển từ nuôi biển thủ công sang công nghiệp cần quá trình, trong đó nuôi công nghiệp, nuôi xa bờ thì cũng cần có không gian biển được quy hoạch và được giao mặt nước để người dân/ doanh nghiệp có thể an tâm chăn nuôi.

51024300 2243181522613747 3211071293138927616 n.jpg

Cũng theo TS Nguyễn Hữu Dũng, mặc dù nuôi biển công nghiệp, nuôi biển xa bờ đang được định hướng là hướng đi của nhiều địa phương ven biển tuy nhiên để đưa thủy sản ra nuôi ở vùng biển mở, xa bờ cần phải có lồng bè công nghiệp và phải có quyền giao biển cho tổ chức, cá nhân lâu dài. Mặc dù Luật thủy sản 2017 có nội dung giao biển để nuôi trồng không quá 30 năm, nhưng đến nay chưa có tỉnh nào làm được điều này. Không có chính sách giao biển, người dân vẫn mãi bám bờ và nuôi biển bằng lồng thủ công (dù nhiều địa phương có sự chuyển đổi lồng truyền thống sang lồng nhựa HDPE thân thiện môi trường như Quảng Ninh).

Nuôi xa bờ là “nghĩ lớn, làm lớn”

Thực tế nhiều địa phương đang thí điểm nuôi biển xa bờ như Kiên Giang, Quảng Ninh, Bình Định… Tuy nhiên, để chuyển từ nuôi biển truyền thống sang nuôi biển công nghiệp, “kéo” được các lồng nuôi ra xa bờ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng ven bờ và dành lại không gian cho các ngành kinh tế biển khác thì mô hình nuôi biển phải được đầu tư bài bản. Cụ thể với riêng lồng nuôi bằng vật liệu mới (HDPE) với quy mô lớn, nuôi cách bờ từ 6-10km, tại các vùng biển có độ sâu dưới 50m sẽ hoàn toàn khác so với nuôi ven bờ ở các vùng biển kín, các vũng vịnh như truyền thống hiện nay.

Là một trong những địa phương đi tiên phong trong nuôi biển xa bờ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc cho biết:  “Nuôi biển xa bờ không chỉ phục vụ phát triển kinh tế mà còn kết hợp với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo. Là chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ thức ăn tươi sống sang thức ăn công nghiệp phù hợp với đối tượng nuôi, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh, mang lại kinh tế cao hơn”.

Thực tế, khi nuôi xa bờ không chỉ phải thay đổi công nghệ nuôi mà tìm kiếm thị trường bền vững (sản phẩm phải có những chứng chỉ xuất xứ rõ ràng để xuất sang các thị trường khó tính) thay vì “được mùa rớt giá” hoặc bị phụ thuộc vào thương lái như nuôi biển truyền thống. Ví dụ, sự thừa mứa tôm hùm bông tại Phú Yên và Khánh Hòa hồi giữa năm 2023 vừa qua khi Trung Quốc bất ngờ dừng thu mua là một trong những bài học mà những người nuôi biển đã phải trả giá đắt.

Nói như TS Võ Sĩ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, nuôi biển truyền thống thường nhỏ lẻ, manh mún, không theo quy hoạch, các bè gỗ nguy hiểm, ô nhiễm môi trường khiến khó tăng năng suất, bền vững. Những trận dịch bệnh khiến người dân trắng tay chỉ sau một đêm do không có bảo hiểm nuôi trồng, không có kĩ thuật đã không còn là hiện tượng hiếm. Ví dụ, vụ ngư dân Phú Yên cuối năm 2022, chỉ sau một đêm ngư dân mất 70 tỉ đồng do các lồng bè thiếu nguồn oxy là những bài học đắt giá buộc người dân phải thay đổi kỹ thuật, công nghệ nuôi biển trong thời gian tới.

Thiết nghĩ, nuôi biển xa bờ là nghĩ lớn, làm lớn. Một mình ngư dân không thể làm được nếu thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu các chính sách đỡ đầu (bảo hiểm, hỗ trợ tín dụng, đào tạo nhân lực…). Bên cạnh đó, muốn tiến ra khơi xa thì cũng cần được giao biển cho dân, bởi nếu không chẳng ai dám và có thể “kéo” lồng nuôi ra giữa biển khơi. Bởi nuôi gần bờ đã là “đánh bạc” với Trời, cón nếu nuôi xa bờ mà không có chính sách chống lưng thì khác nào “ném tiền xuống biển”.

Nam Phương