Ngoài những trường hợp cha mẹ lo lắng thái quá về câu chuyện chiều cao, còn có những trường hợp chủ quan, cho rằng “con rồi sẽ lớn” nên không đưa đi khám.
LỜI TÒA SOẠN
Giúp con phát triển tối đa chiều cao là nhu cầu chính đáng của nhiều gia đình. Tuy nhiên, vì nỗi ám ảnh, lo lắng con lùn, không ít phụ huynh sẵn sàng chi, hoặc đã chi hàng chục, hàng trăm triệu đồng để tìm mọi cách kéo dài chiều cao của con, đi ngược với quá trình phát triển tự nhiên của trẻ.
Đánh trúng mong muốn đó, hàng loạt sản phẩm giới thiệu là thuốc tăng chiều cao chứa hormone tăng trưởng ra đời, với những lời quảng cáo "có cánh". Sự thật về những sản phẩm được cho là "thuốc" này ra sao? Có nên tin và dùng? Bác sĩ nói gì về những sai lầm trong cách nuôi trẻ mà các gia đình Việt gặp phải khiến trẻ thấp còi?
VietNamNet xin đăng tải tuyến bài "Sự thật thuốc tăng chiều cao cho trẻ" để đưa thông tin chính xác từ các chuyên gia đến với cha mẹ.
Tiến sĩ Bùi Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Nội tiết, Chuyển hóa, Di truyền và Liệu pháp phân tử thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho hay loại thuốc chứa hormone tăng trưởng (GH) này đã được chứng minh có cải thiện chiều cao, tiêm hàng ngày vào buổi tối, nhưng chỉ được bác sĩ dùng trong một số trường hợp bệnh lý.
Ngoài những trường hợp cha mẹ “sốt ruột”, lo lắng thái quá hay ám ảnh về câu chuyện chiều cao, khiến đứa trẻ trong mắt phụ huynh luôn chậm lớn, còn có những trường hợp chủ quan, cho rằng “con rồi sẽ lớn” nên không đưa đi khám, phát hiện sớm chậm tăng trưởng chiều cao.
Chậm tăng trưởng chiều cao được định nghĩa khi chiều cao dưới -2 độ lệch chuẩn (< -2SD) so với chiều cao trung bình của trẻ cùng tuổi, giới, cùng chủng tộc.
Theo bác sĩ Thảo, nếu thấy con mình chậm tăng chiều cao, thấp hơn so với các bạn cùng lớp, thấp hơn so với trẻ cùng tuổi trong họ hàng, thì nên đi khám. Đặc biệt, chiều cao phản ánh tình trạng sức khỏe, bệnh tật của trẻ. Nếu trẻ đang có tốc độ tăng chiều cao đều đều (ví dụ bình thường cao 5-6cm/năm), nhưng tốc độ này bất ngờ giảm đi (chỉ còn 2 -3cm/năm) cũng cần đi khám, xét nghiệm xem trẻ có bị bệnh mạn tính nào hay không.
Tác dụng phụ khi trẻ không cần nhưng vẫn bổ sung GH
Thiếu GH là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chậm cao. Theo bác sĩ Thảo, việc điều trị bằng GH không chỉ áp dụng cho trẻ thấp mà còn được chỉ định trong các trường hợp gây ra do những nguyên nhân khác như hội chứng Turner, suy tuyến yên toàn bộ, bệnh thận mạn tính, hội chứng Prader Willi, sinh ra nhỏ hơn so với tuổi thai...
Với những trường hợp này, điều trị bằng tiêm GH sẽ được bảo hiểm y tế chi trả. Chi phí cho một trẻ 20kg thiếu GH được chỉ định dùng thuốc, với liều 0,03mg/kg cân nặng/ngày, gia đình sẽ mất khoảng 100 triệu đồng tiền thuốc một năm, chưa kể chi phí khác.
Ngoài ra, trẻ thấp nhưng không tìm ra nguyên nhân cũng có thể tiêm GH. Chỉ định này không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới nhiều quốc gia cũng cho phép. Tuy nhiên, những trường hợp này không được bảo hiểm y tế hỗ trợ.
Việc tiêm thuốc GH theo các bác sĩ cần điều trị đúng thời điểm, đúng liều, tốt nhất là trong khoảng độ tuổi 4-13, trước khi các sụn xương của trẻ đóng lại. Nếu quá tuổi, việc tiêm sẽ không có tác dụng.
Đặc biệt, những trẻ không thiếu GH, có chiều cao bình thường, mà vẫn bổ sung GH không chỉ khiến gia đình tốn kém, mà có thể gây một số tác dụng phụ như đau đầu, cong vẹo cột sống, trượt chỏm xương đùi.
Nhận diện những “thủ phạm” khiến trẻ thấp
Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Trọng Hưng cho biết chiều cao của con người được xác định bởi nhiều yếu tố như di truyền (gene) của bố mẹ, gia đình. Đây là yếu tố không thay đổi được.
Công thức dự kiến chiều cao trẻ khi trưởng thành theo chiều cao bố mẹ như sau:
Chiều cao trẻ nam = (chiều cao bố + chiều cao mẹ)/2 + 6,5 cm.
Chiều cao trẻ nữ = (chiều cao bố + chiều cao mẹ)/2 – 6,5 cm.
Những yếu tố có thể thay đổi được như tác động của môi trường trước sinh và sau sinh, dinh dưỡng, vận động, sức khỏe và bệnh tật của trẻ.
Theo các bác sĩ, khi con bị thấp còi, hầu hết phụ huynh nghĩ đến nguyên nhân dinh dưỡng, thậm chí nhiều người tự ý bổ sung canxi hoặc các loại thuốc, sản phẩm tăng chiều cao mà chưa có sự tư vấn của bác sĩ, dẫn đến không có hiệu quả hoặc có thể gây hại cho trẻ.
Trong khi đó, việc cha mẹ cần làm nếu thấy con cái mình có vấn đề về sức khỏe, đơn cử như thấp còi, chậm cao lớn, là đưa con đi khám.
Tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bệnh viện Nhi Trung ương hay nhiều bệnh viện từng gặp nhiều trẻ được bố mẹ bổ sung vitamin D liều cao 2.000-3.000 IU/ngày hoặc bổ sung 500-1.000mg canxi/ngày dù trẻ không thiếu. Điều này khiến trẻ bị ngộ độc vitamin D, canxi, có trường hợp có các dấu hiệu nhiễm độc thần kinh, rối loạn tiêu hóa, lắng đọng sỏi thận…
Nếu cơ thể thừa canxi, trẻ có thể bị lùn do hàm lượng canxi trong máu tăng cao có thể đi vào xương nhiều hơn, làm cốt hóa các đầu xương sớm, dẫn đến hạn chế sự phát triển xương.
Một sai lầm khác của nhiều cha mẹ được bác sĩ Hưng chỉ ra là cho con đi ngủ quá muộn.
“Tôi rất thích chương trình 'Chúc bé ngủ ngon' phát trên truyền hình vào lúc gần 21h. Đó là giờ vàng để trẻ em phải đi ngủ. Ngủ ít (dưới 7, 8 giờ mỗi ngày), ngủ không sâu giấc khiến tuyến yên hạn chế bài tiết hormone tăng trưởng, ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Trong khi đó, nhiều trẻ em giờ đó vẫn xem tivi, điện thoại”, bác sĩ Hưng nói.
Bác sĩ Hưng cũng cho biết trẻ có 3 giai đoạn quan trọng gồm trong thai kỳ, 0-2 tuổi và tiền dậy thì, dậy thì.
Trẻ chào đời có thể đạt chiều dài 50cm, năm thứ nhất tăng thêm 25cm, năm thứ hai tăng thêm 10-12cm; thêm 5-7cm mỗi năm tiếp theo; 7-15cm mỗi năm vào giai đoạn tiền dậy thì, dậy thì. Theo tiêu chuẩn tăng trưởng của trẻ em Việt Nam, tuổi tiền dậy thì là 9-11 đối với nữ và 12-14 tuổi đối với nam; tuổi dậy thì 12-13 đối với nữ và 15-16 đối với nam.
Vị chuyên gia dinh dưỡng khuyên các gia đình nên tận dụng tối đa giai đoạn này để có chế độ dinh dưỡng và tập luyện phù hợp giúp bé tăng chiều cao vượt trội. Tuy nhiên, không có nghĩa là các giai đoạn khác bị bỏ qua, cần nuôi dưỡng và chăm sóc liên tục, đặc biệt là hạn chế để trẻ bị thừa cân béo phì, nhiễm trùng hay suy dinh dưỡng.
Lười ra ngoài chơi thể thao hay vận động cũng là nguyên nhân khiến trẻ chậm cao lớn. Theo các bác sĩ, các môn thể thao như bơi, bóng rổ, bóng chuyền, chạy, đi bộ, đá bóng, đi xe đạp, nhảy dây, cầu lông… đều tác động mạnh mẽ tới sự phát triển chiều cao của trẻ, giúp trẻ có không gian tiêu hao năng lương, giúp linh hoạt, mềm dẻo, phát triển xương. Bác sĩ Thảo cho rằng trẻ nên tập các môn thể thao hay bài tập ít áp lực đè nặng lên cơ thể.
Một chế độ ăn uống cân bằng, đa dạng thực phẩm nhằm cung cấp đủ năng lượng, cân đối các chất sinh năng lượng (đạm, béo, bột đường), cũng như vitamin, khoáng chất, là lời khuyên của bác sĩ. Bổ sung thực phẩm giàu đạm và canxi như thịt, cá, tôm, cua, trứng và chế phẩm từ trứng, sữa.
“Muốn bổ sung sữa, sản phẩm tăng trưởng chiều cao cho con, cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ”, bác sĩ Hưng nói và khẳng định không thể có sản phẩm nào “thần thánh” đến mức thay thế mọi biện pháp về dinh dưỡng, tập luyện, giấc ngủ… để tăng chiều cao.
Đánh trúng tâm lý muốn tăng tốc nâng chiều cao cho trẻ của nhiều phụ huynh, rất nhiều loại sản phẩm đường uống quảng cáo chứa hormone tăng trưởng (GH) được giới thiệu như "thần dược".
“Bác sĩ cứ tiêm cho con nhà em, làm sao cho nó cao thêm được càng nhiều càng tốt, trăm triệu em cũng chịu”. Chị Trang vừa nói với bác sĩ vừa nhìn vào cậu con trai năm nay lên lớp 5, theo chị là lúc nào cũng phải đứng top đầu khi xếp hàng.