Theo Business Insider, Zuckerberg nên dừng lại, ngẫm nghĩ và tự hỏi bản thân một câu hỏi quan trọng: Khi nào là đủ?
Năm 2021, khi đổi tên Facebook thành Meta, Zuckerberg nói rằng vũ trụ ảo sẽ phổ biến trong 5 tới 10 năm nữa. Tương lai của cả công ty bị đặt vào phép thử ngay lập tức, trong khi các dự án tốn kém ngày càng khiến công chúng hoài nghi.
Tầm nhìn của nhà sáng lập Facebook vấp phải nhiều chướng ngại vật trong một khoảng thời gian tương đối ngắn ngủi. Một số tờ như Thời báo New York hay Thời báo Phố Wall đều đưa tin về việc này. Tình hình kinh tế bất ổn buộc Zuckerberg phải đóng băng tuyển dụng và thực hiện nhiều biện pháp khác khiến nhân viên lo lắng.
Trong khi đó, Meta đã chi 15 tỷ USD cho vũ trụ ảo.
Nhà phân tích Dan Ives nhận định, nó sẽ là ván bài may rủi của Zuckerberg và cộng sự vì họ đang đặt cược tiền vào tương lai, còn mảng kinh doanh cốt lõi đối mặt nghịch cảnh.
Metaverse là một khái niệm thu hút sự chú ý từ giới truyền thông và công nghệ trong năm vừa qua. Zuckerberg gọi nó là “người kế nhiệm của Internet di động”. Ngược lại, CEO Apple Tim Cook lại không dám chắc mọi người định nghĩa metaverse là gì.
Bất chấp sự mông lung đó, ông chủ Meta quyết tâm “tất tay” vào vũ trụ ảo, thậm chí đổi cả tên công ty để phản ánh niềm tin của mình. Ông úp mở rằng công nghệ đã tồn tại để đưa mọi người vào thế giới ảo. Công nghệ bao gồm headset Meta Quest 2, giá 400 USD, giúp người đeo trải nghiệm Horizon Worlds. Dù vậy, cho tới nay, trải nghiệm vũ trụ ảo của Meta lại nghèo nàn với cả công chúng lẫn nội bộ.
Theo Thời báo Phố Wall, Meta tạm dừng ra mắt tính năng mới cho Horizon từ tháng trước do các khiếu nại từ người dùng. Dựa trên tài liệu nội bộ thu thập được, tờ báo tiết lộ Horizon chỉ có 200.000 người dùng tích cực hàng tháng, thấp hơn mục tiêu 280.000 người dùng của Meta; 9% thế giới trên Horizon chỉ được ít nhất 50 người dùng ghé thăm, số còn lại hầu như “trống vắng”; gần như mọi người từ bỏ nền tảng ngay trong tháng đầu và một nửa headset không được sử dụng trong vòng 6 tháng.
Ranh giới để tiến vào vũ trụ ảo cũng tăng lên. John Carmack, Giám đốc Công nghệ thông tin phụ trách nỗ lực thực tế ảo của Meta, thừa nhận lần tăng giá 100 USD của headset Quest mới đây là do các ứng dụng miễn phí phổ biến hơn game thu phí.
Vì vậy, thí nghiệm vũ trụ ảo của Meta không hề có khởi đầu lạc quan. Ngay cả những thông báo như “avatar có chân” của Zuckerberg cũng chỉ là chiêu bài PR mà chưa phải tính năng thực sự. Bản thân người làm ứng dụng Horizon cũng hiếm khi dùng nó, theo tài liệu nội bộ mà The Verge nắm được.
“Vì sao chúng ta không yêu thích sản phẩm mà chúng ta phát triển đến mức dùng nó suốt ngày? Sự thật đơn giản là, nếu không yêu thích nó, chúng ta làm sao kỳ vọng người dùng yêu thích nó”, Phó Chủ tịch Metaverse Vishal Shah viết trong báo cáo.
Một vài câu hỏi khác có thể đặt ra: Zuckerberg cần chứng kiến bao nhiêu dấu hiệu cảnh báo nữa? Meta sẽ đổ tiền vào một nỗ lực chưa có kết quả rõ ràng nào trong bao lâu nữa? Cuối cùng, khi nào họ sẽ đánh giá lại sứ mệnh này?
Du Lam (Theo BI)