Bỏ thói quen vứt rác thải nhựa xuống biển
TS Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam dẫn nguồn tin từ Ban Quản lý Cảng cá Bình Định báo cáo, vào lúc 10 giờ sáng ngày 14/12/2023, Đội thu gom rác thải nhựa từ tàu cá (Cảng cá Quy Nhơn) đã tiếp nhận 8 kg rác thải nhựa (gồm chai nhựa nước lọc, chai nước rửa chén, bì mì tôm, lon nước ngọt, lon bia) từ tàu cá BĐ-99028-TS. Tàu cá do ông Nguyễn Văn Luyến, ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn làm chủ mang về bờ, sau 16 ngày khai thác hải sản trên biển.
Sau khi tiếp nhận rác, chị Nguyễn Thị Minh Lệ, đội trưởng Đội thu gom rác thải nhựa tàu cá đã đăng những tấm ảnh lên nhóm Zalo “Mô hình các tàu cá mang rác thải về bờ”. Theo chị Minh, đây là tàu cá đầu tiên thực hiện bỏ thói quen ném rác thải nhựa xuống biển, mở ra phong trào bảo vệ môi trưởng biển đảo cho tất cả các tàu cá và ngư dân tham gia.
“Khi ngư dân có ý thức bảo vệ biển, bảo vệ chính ngư trường của mình, tự động đem rác thải về bờ là điều mà trước nay dù vận động những không mấy người hưởng ứng. Bởi ngoài việc chật thuyền, bị coi là “dở hơi” thì việc mang ra về bờ theo ngư dân là việc làm xúi quẩy. Nhưng nay nhờ được tuyên truyền vận động, mô hình thu gom rác từ các tàu cá chắc chắn sẽ thành công trên diện rộng”, chị Minh tin tưởng.
Được biết, “Mô hình thu gom rác thải nhựa từ tàu cá về bờ” thí điểm cho 200 tàu cá trên toàn tỉnh Bình Định thường xuyên cập cảng Quy Nhơn được phát động từ đầu tháng 12/2023. Đây là hoạt động nhằm khuyến khích ngư dân hạn chế xả rác thải nhựa xuống biển, dần hình thành thói quen tốt đối với việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa trên tàu cá. Người đưa ra sáng kiến về quản lý rác thải nhựa trên tàu cá và chế tạo ra “sọt rác” chuyên dùng cho tàu cá là TS. Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định.
Để ngư dân bảo vệ “chén cơm” của họ
Theo TS Trần Văn Vinh: “Trong quá trình nghiên cứu về quản lý rác thải, tôi nhận thấy một vấn đề rác thải nhựa đại dương không phải chỉ đến từ đất liền trôi dạt ra biển như nhiều người đã biết, mà còn một lượng lớn rác thải nhựa được tạo ra từ đời sống sinh hoạt hằng ngày của ngư dân trên biển. Bản thân các ngư dân cũng biết rõ khi ném rác thải xuống biển là ô nhiễm, đôi khi rác quấn vào lưới cá hoặc chân vịt của tàu cũng rất phiền phức.
Nhưng phần lớn các tàu cá hiện nay đều không có dụng cu thu gom rác thải. Tất cả các loại thức ăn, nước uống, nhu yếu phẩm được mang theo sau 1 chuyến biển kéo dài gần một tháng đều được đóng chai/ lon hoặc các hộp nhựa. Khi dùng xong không có chỗ để nên ngư dân đành vứt thẳng xuống biển để đỡ chật thuyền và biến nó trở thành rác và nằm lại ngoài đại dương. Vì vậy ngoài việc ngăn chặn nguồn rác thải từ bờ, hỗ trợ ngư dân từ bỏ thói quen xấu này, đồng thời cấp phát công cụ để họ dễ dàng thu gom lưu giữ rác thải nhựa, chấp nhận mang về bờ xử lý sau mỗi chuyến biển là việc làm cấp thiết”.
Do đó, từ năm 2022 TS Trần Văn Vinh đã đề xuất ý tưởng xây dựng mô hình quản lý rác thải nhựa trên tàu cá, một trong 3 mục tiêu chính của Dự án “Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại TP Quy Nhơn”, giai đoạn 2022-2024. Dự án do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tài trợ, UBND TP Quy Nhơn chủ trì phối hợp với Chi cục Thủy sản và Ban quản lý Cảng cá Bình Định (Sở NN&PTNT) cùng triển khai.
Theo đó ngày 27/11/2023, các bên liên quan đã tổ chức Hội thảo khởi động kết hợp tập huấn nâng cao nhận thức về quản lý chất thải nhựa, bảo vệ môi trường biển cho các tàu cá Bình Định tham gia mô hình. Hơn 200 chủ tàu cá đã bắt đầu hưởng ứng và ký cam kết sẽ thu gom rác về bờ, không vứt xuống biển như trước. Theo đó, mỗi chủ tàu đã được phát những túi đựng rác thải chuyên dụng trang bị trên tàu cá; nhận thiết bị hỗ trợ mô hình thu gom rác thải nhựa và cùng ra mắt Tổ thu gom rác thải nhựa cảng cá Quy Nhơn.
“Được biết, ngoài trang bị thiết bị thu gom thì đầu tháng 12/2023, Dự án cũng đã tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà thu gom rác thải nhựa tàu cá tại cảng cá Quy Nhơn. Đến nay, những tàu cá đầu tiên sau chuyến biển dài ngày (thường kép dài từ 15-30 ngày) bắt đầu cập bờ và tàu cá BĐ-99028-TS là tàu đầu tiên đã thực hiện mang rác về bờ đúng như cam kết, mở ra triển vọng 100% ngư dân sẽ tham gia, đồng hành bảo vệ môi trường biển, bảo vệ ngư trường, bảo vệ “chén cơm” của chính họ. Tôi hy vọng phong trào này sẽ mở ra với tất cả các ngư dân tại 28 tỉnh thành ven biển của nước ta trong thời gian tới”, TS Nguyễn Đức Toàn tin tưởng cho biết.