Với sự hỗ trợ của Nhà nước, lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đã nỗ lực lao động tại nước bạn, thu nhập ổn định, vừa giúp gia đình trả nợ vốn vay, vừa giải quyết đa chiều thiếu hụt cho chính gia đình, đóng góp vào sự phát triển quê hương.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài là hoạt động kinh tế quan trọng, là giải pháp giải quyết vấn đề an sinh xã hội hiệu quả, góp phần giảm nghèo đa chiều, bền vững. Từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, không ít người dân nghèo, cận nghèo, người khó khăn tại các huyện nghèo được hỗ trợ đào tạo, ưu tiên vay vốn chính sách để ra nước ngoài làm việc theo diện hợp đồng (xuất khẩu lao động).
Người nghèo dựng xây cuộc sống ấm no nhờ xuất khẩu lao động
Với sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước, các lao động này đã nỗ lực lao động tại nước bạn, thu nhập ổn định, vừa giúp gia đình trả nợ vốn vay, vừa giải quyết đa chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản cho chính gia đình, đóng góp vào sự phát triển của quê hương.
Tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam), các ngành liên quan dành nhiều thời gian khảo sát, lựa chọn thị trường phù hợp với lao động địa phương. Đồng thời, huyện tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người dân tiến hành các thủ tục để thuận lợi khi đi làm việc ở nước ngoài. Theo lãnh đạo UBND huyện Nam Trà My, để giữ nguồn vốn cho người đi xuất khẩu lao động, tránh trường hợp người đi làm vất vả, còn người ở nhà thì tiêu xài hoang phí, huyện đã thống nhất với các hộ mở thẻ ngân hàng. Mỗi tháng, 1 hộ chỉ được rút tối đa 4 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Nhờ đó, giúp người đi lao động ở nước ngoài trở về có vốn xây nhà, mua sắm và đầu tư làm ăn.
Cũng tại tỉnh Quảng Nam, huyện miền núi nghèo Nam Giang lựa chọn xuất khẩu lao động là hướng đi để góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, thực chất. Từ năm 2022-2024, địa phương đã tuyển sinh, đào tạo và xuất khẩu 194 lao động làm tại Lào, mức lương cơ bản từ 9 - 15 triệu đồng. Một số khác đi lao động tại Ả Rập Xê Út.
Nhờ được tuyên truyền, hơn nữa lại có những tấm gương vươn lên làm giàu từ xuất khẩu lao động, nhiều thanh niên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tại huyện này hăng hái đăng ký đi xa làm việc, thay vì tư tưởng an phận tại quê hương. Số tiền gửi về từ việc thanh niên đi xuất khẩu lao động (kiều hối) không chỉ giúp các hộ gia đình trả nợ ngân hàng, mua sắm, làm nhà kiên cố, chăm lo y tế, dinh dưỡng, mà còn xây dựng sinh kế, tạo việc làm cho người thân, cuộc sống ngày càng ấm no.
Nâng tay nghề cho người nghèo
Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, bình quân thu nhập hàng tháng (kể cả làm thêm ngoài giờ) của lao động người Việt Nam làm việc tại thị trường Trung Đông là 400 - 600 USD (9,5 - 14,3 triệu đồng); 700 - 800 USD (16,6 - 19 triệu đồng) ở thị trường Đài Loan… Lượng kiều hối do người lao động ở nước ngoài gửi về trong nước hàng năm hơn 3 tỷ USD.
Thực tế, hoạt động xuất khẩu lao động đã làm tăng thu nhập ngoại tệ cho địa phương. Tại tỉnh Lai Châu, trung bình mỗi năm lượng kiều hối do người lao động là con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh gửi về trên 30 tỷ đồng. Qua đó giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, nâng cao đời sống, thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
Không những vậy, xuất khẩu lao động góp phần quan trọng trong việc giảm áp lực về đào tạo lao động và giải quyết việc làm đặc biệt là lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Người lao động đi làm việc tại nước ngoài còn được nâng cao tay nghề, tiếp thu được công nghệ sản xuất mới và phương pháp quản lý, làm việc tiên tiến, được rèn luyện tác phong, kỷ luật lao động.
Một số lao động sau khi về nước đã biết áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật trong quá trình lao động, sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Anh Đao Văn Long, bản Pắc Pạ, xã Vàng San, huyện Mường Tè (Lai Châu) cho biết anh được tạo điều kiện để đi Nhật Bản theo diện xuất khẩu lao động. Anh đã học tập được nhiều điều, nhất là sự chuyên nghiệp, công nghệ trồng rau hiện đại; tác phong, giờ giấc làm việc khoa học, nghiêm túc. Chỉ sau 7 tháng làm việc, trừ chi phí, anh tiết kiệm được gần 200 triệu đồng. Sau khi về nước, anh đã xây nhà, số vốn còn lại mở quán tạp hóa bán hàng, phục vụ bà con trong bản.
Tạo cơ chế hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu lao động để giảm nghèo
Tại tỉnh Quảng Trị, đưa người lao động thuộc diện chính sách đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Do còn nhiều khó khăn, trước mắt tỉnh ưu tiên hỗ trợ cho người thuộc diện chính sách tham gia xuất khẩu lao động.
Từ năm 2024, tỉnh Quảng Trị chính thức thực hiện Nghị quyết số 119/2023 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ người tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và hỗ trợ lao động hết hạn hợp đồng trở về nước có giao kết hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh đối với người dân tộc thiểu số, người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo...
Theo đó, từ năm 2024 đến hết năm 2026, tỉnh sẽ hỗ trợ 750 người đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng; hỗ trợ 450 lao động đi XKLĐ theo hợp đồng, hết hạn hợp đồng trở về nước tìm kiếm được việc làm tại tỉnh.