Tháng 10, UBND huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) ban hành quyết định phê duyệt dự án Chăn nuôi bò cái lai sinh sản - Mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững tại xã Tịnh Phong năm 2024.

Tổng cộng có 21 hộ tham gia dự án này, gồm 6 hộ nghèo, 14 hộ cận nghèo và 1 hộ làm kinh tế giỏi được UBND xã Tịnh Phong xác nhận, trong đó: 18 hộ được hỗ trợ giống bò khi triển khai dự án, 2 hộ dự kiến quay vòng khi kết thúc dự án.

18 hộ nghèo, cận nghèo được trao 18 bò cái lai sinh sản, tuổi bò từ 18-20 tháng, trọng lượng mỗi con từ 220kg trở lên. Các hộ sẽ tham gia nuôi bò trong 36 tháng, bắt đầu từ tháng 10/2024, kết thúc tháng 10/2027.  

Từ tháng 9, nguồn vốn từ Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững cũng hỗ trợ 20 hộ dân nghèo, cận nghèo ở xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) được trao bò giống sinh sản. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ, các hộ sẽ tham gia đối ứng kinh phí gồm xây dựng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, thức ăn tinh hỗn hợp, thức ăn xanh, vắc xin phòng bệnh gia súc và chi phí phối giống.

Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Trao sinh kế - "cần câu" cho người nghèo, là cách để người nghèo có thêm cơ hội có việc làm, tạo thu nhập, góp phần tự bù đắp các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác như y tế, giáo dục,...

W-giam ngheo.jpg
Thực tế, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đã yên tâm hơn khi được trao sinh kế hỗ trợ.

Năm 2024, gia đình bà Lê Thị Hà Công, ở thôn Bình Bắc, xã Tịnh Bình, tiếp tục chăn nuôi bò giống đã được Nhà nước hỗ trợ từ cuối năm 2023. Bà Công thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật quanh năm nên cuộc sống khó khăn.

Từ khi được nhận sinh kế, bà Công coi đây là tài sản to lớn. Bà cùng 15 hộ nghèo khác trong xã Tịnh Bình thụ hưởng dự án cùng cam kết không được bán con giống trong 3 năm từ khi nhận bò. Họ được hướng dẫn kỹ thuật trong chăn nuôi, phòng, chống dịch.

Chăm chút gia sản quý, bà Công còn dành một phần đất trồng cỏ cho bò ăn, rồi trồng thêm ngô, mỳ... Được sự động viên của Nhà nước, chính quyền địa phương, bà quyết tâm gia tăng sản xuất, nuôi thêm gà để tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Người phụ nữ này nuôi hi vọng bò sớm sinh sản ra bê cái để có thêm động lực phát triển kinh tế. 

Tại xã Tịnh Bình của bà Công, nhiều hộ nghèo chủ động cải tạo khu vực chăn nuôi, chuồng trại để đáp ứng điều kiện hỗ trợ từ dự án. Điều này cho thấy niềm hi vọng, khát khao vươn lên thoát nghèo của người dân rất lớn, cũng phản ánh tính nhân văn của dự án khi nâng cao trách nhiệm của người dân đối với sinh kế Nhà nước hỗ trợ.

Từ nguồn kinh phí thực hiện dự án, ngoài hỗ trợ chăn nuôi bò, huyện Sơn Tịnh còn hỗ trợ 40 con lợn móng cái cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại xã Tịnh Hà.

Việc hỗ trợ con giống cho hộ nghèo, cận nghèo không chỉ là hướng đi đúng giúp người nghèo vươn lên mà còn góp phần chủ động con giống, đáp ứng nhu cầu và đặc điểm tình hình chăn nuôi tại địa phương. Đặc biệt, dự án giúp sử dụng hiệu quả lao động nông nhàn gắn với việc chăn nuôi tận dụng sản phẩm phụ trong sản xuất nông nghiệp.

Đơn cử, với dự án nuôi bò trên đây, ngoài việc giúp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi thâm canh bò cái lai sinh sản và bê lai hướng thịt đảm bảo vệ sinh môi trường, cung cấp cho thị trường sản phẩm bò chất lượng cao phục vụ phát triển chăn nuôi, dự án còn từng bước hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi bò, nâng cao năng lực sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo, giúp họ tự tin tham gia phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo đa chiều, bền vững.

Tại huyện Sơn Tịnh, đầu năm 2024, số hộ nghèo toàn huyện còn 382 hộ, tỷ lệ 1,41%; hộ cận nghèo là 774 hộ (2,85%). Theo kế hoạch chỉ tiêu được giao bởi UBND tỉnh Quảng Ngãi, huyện cần giảm số hộ nghèo xuống 332 hộ (giảm về 1,19%) còn hộ cân nghèo giảm về 629 hộ (tương đương 2,25%).

Lãnh đạo huyện Sơn Tịnh cho rằng, việc triển khai thực hiện các dự án đa dạng hoá sinh kế cũng như các dự án khác từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp nhiều người nghèo được tiếp cận các chính sách, nguồn vốn, chuyên môn kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện chất lượng cuộc sống.