Về nước với tấm bằng đại học từ Mỹ, Hồ Quỳnh (25 tuổi, quận 1, TP.HCM) dễ dàng được một số công ty lớn trong nước mời chào. Nhưng 3 năm qua, cô vẫn làm việc cùng một nhóm freelancer mà không cần đến chế độ bảo hiểm và phúc lợi.
"Lý do bởi tôi rất hâm mộ người quản lý hiện tại của mình", cô nói với Zing.
Theo Quỳnh, cô không làm freelance độc lập mà thuộc một nhóm nhiều thành viên. Trước khi tham gia nhóm, cô chủ động tìm hiểu về người quản lý và được biết người này cũng là một nữ du học sinh về nước.
Trước đây, chị có 4 năm làm việc cho một tập đoàn công nghệ lớn tại Mỹ, thêm 5 năm gắn bó với một công ty viễn thông của Việt Nam. Trên LinkedIn, chị nhận hàng chục nhận xét tích cực từ sếp và đồng nghiệp cũ.
"Một phần, bản thân tôi không thích môi trường công sở gò bó. Phần khác, tôi ưu tiên phát triển kinh nghiệm thực tế cùng mối quan hệ. Công việc freelance và một người dẫn dắt giỏi là tất cả những gì tôi cần ở hiện tại", cô cho hay.
Thay vì mức lương, môi trường, nhiều nhân sự trẻ ưu tiên chọn sếp khi tìm việc. |
Chọn sếp
Theo khảo sát của Huffpost vào năm 2017, 75% nhân viên cho rằng áp lực từ sếp chính là nguyên nhân lớn nhất khiến họ mệt mỏi, căng thẳng trong công việc. 65% nói rằng muốn có một người sếp tốt hơn thay vì được tăng lương và 79% khẳng định việc không được sếp đánh giá cao chính là lý do cho sự nghỉ việc.
Với những con số trên, bà Vartika Kashyap, giám đốc tiếp thị của Công ty công nghệ ProofHub, cho rằng lời khuyên hàng đầu đối với một nhân sự đó chính là hãy lựa chọn sếp một cách khôn ngoan.
"Điều này dường như không dễ dàng bởi thông thường, sếp vẫn là người chọn nhân viên. Nhưng cũng như việc tìm hiểu về lương tháng, địa điểm công ty và chế độ đãi ngộ vậy, bạn có thể quyết định xem sếp của mình sẽ như thế nào", bà nói.
Một số nhận xét về sếp xuất hiện trên các hội, nhóm mạng xã hội. |
Trên Internet, không ít người trẻ cũng chủ động tìm hiểu về cấp quản lý trực tiếp trước khi ứng tuyển. Trong đó, LinkedIn là công cụ quen thuộc bởi nền tảng này có khá đầy đủ hồ sơ về một nhân sự như học vấn, kinh nghiệm cũng như đánh giá từ người dùng.
Ngoài ra, các hội nhóm mạng xã hội như cũng được nhiều người tìm đến để đọc review về sếp. Tại đây, không chỉ năng lực làm việc, nhiều thói quen cá nhân của sếp cũng được "bóc" triệt để.
"Sếp bộ phận Marketing của công ty này tên A., sinh năm 1988, rất xấu tính nhé".
"Mình là nhân viên cũ ở đây, đến bây giờ nghỉ việc 2 năm rồi vẫn giữ quan hệ tốt với sếp. Sếp năng lực tốt khỏi phải bàn nhé, rất hỗ trợ đàn em".
Đó là 2 trong hàng trăm bình luận nhận xét về sếp được các nhân viên đăng trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, nhiều nhân sự còn chọn cách tìm hiểu trước về cấp trên thông qua bạn bè. Chia sẻ từ người quen khiến họ tin tưởng, đồng cảm hơn.
Dễ mắc bẫy định kiến
Giống như Hồ Quỳnh, Thanh Nhàn (23 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng đặt yếu tố cấp quản lý lên hàng đầu khi lựa chọn công việc.
Đối với cô, một vị sếp tốt không chỉ là người vững chuyên môn mà còn có danh tiếng trong ngành, tính cách trách nhiệm và tử tế để dẫn dắt, chỉ dạy nhân viên. Cô xin nghỉ việc ở công ty cũ bởi không tìm được những yếu tố này ở người sếp của mình.
Trước khi rải CV đến một số công ty mới, điều cô tìm hiểu đầu tiên chính là sếp trực tiếp của mình là ai.
"Ở các công ty lớn, không khó để biết quản lý bộ phận tên gì, kinh nghiệm ra sao. Tôi thường gõ tìm kiếm tên của họ trên mạng, đọc hồ sơ học vấn và các nhận xét, đánh giá.
Một số người không có hồ sơ hoặc thông tin gì trên Internet, tôi sẽ hỏi thăm qua người quen. Trong ngành truyền thông của tôi, các nhân sự quen biết nhau rất nhiều", cô kể lại.
Internet là nơi nhân sự tìm hiểu về sếp. |
Tuy nhiên, cũng theo Thanh Nhàn, việc tìm hiểu trước quá sâu về cấp quản lý đôi khi khiến cô mang định kiến.
Ví dụ, nghe bạn bè quá khen ngợi về một người sếp, bản thân cô xuất hiện tâm lý kỳ vọng. Ngược lại, nghe lời chê bai, cô cũng trở nên đề phòng hơn, từ bỏ cơ hội làm việc chung hoặc khiến mối quan hệ với sếp có khoảng cách.
"Hiện tại, tôi đang làm việc với một người quản lý mà tôi từng ghét. Trước đây, tôi nghe nhiều lời kể không hay về chị nên định ứng tuyển sang một bên khác. Nhưng vì nhiều lý do, tôi vẫn làm việc với chị.
Ban đầu, tôi chỉ làm việc cho xong vì mang nặng định kiến với sếp. Nhưng đến giờ, sau hơn một năm làm chung, tôi nhận thấy mọi chuyện không hoàn toàn như người khác đồn thổi. Tôi nghĩ sếp tốt hay dở phần lớn do cảm nhận, đánh giá của từng cá nhân mà thôi", cô nói.
Làm sao để chọn lựa?
Tìm hiểu và lựa chọn công ty, quản lý trước khi gắn bó là việc làm cần thiết đối với các cấp nhân sự. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ và Internet, việc "điều tra" này càng trở nên dễ dàng hơn.
Cũng theo bà Vartika Kashyap của ProofHub, có một số cách giúp nhân sự dò tìm thông tin trước về người sếp của mình.
Đầu tiên, hãy xem hồ sơ của họ trên một số nền tảng việc làm. Những thông tin từ đây giúp bạn biết được quá trình phát triển sự nghiệp cùng những đánh giá của người khác về vị quản lý này.
Thứ hai, hãy tận dụng thời gian của cuộc phỏng vấn. Phỏng vấn là cuộc trao đổi 2 chiều, cả bạn và sếp đều có cơ hội đánh giá lẫn nhau. Trong khoảng thời gian này, hãy cảm nhận xem sếp có đang tỏ ra thái quá và gây áp lực cho bạn.
Sự thoải mái, cởi mở giữa sếp và nhân viên khiến công việc trôi chảy hơn. |
Thứ ba, hãy quan sát, cảm nhận. Đối với câu hỏi "Thế nào là người sếp tốt?", bạn cần có sẵn đáp án cho riêng mình. Hãy tạo cơ hội để quan sát công việc thường ngày của sếp, cách họ đối mặt với áp lực hoặc đối xử với đồng nghiệp. Từ đó, bạn sẽ cảm nhận được mình có muốn làm việc cùng người này hay không.
Và cuối cùng, hãy tin vào trực giác. Ngay cả khi cuộc phỏng vấn diễn ra tốt đẹp nhưng nếu linh tính của bạn mách bảo có điều gì đó không ổn, hãy xem xét lại người quản lý hoặc công việc này. Ở nhiều trường hợp, trực giác chính là con đường để bạn chọn được người sếp phù hợp.
"Tuy nhiên, nếu bạn bị đặt vào tình huống không có quyền lựa chọn người quản lý của mình, hãy tiếp tục công việc và cố gắng tạo dựng mối quan hệ tốt với sếp bằng sự chăm chỉ và chân thành", bà Vartika Kashyap nhấn mạnh.
(Theo Zing)
Dù đã nhiều lần cơ quan chức năng cảnh báo, báo chí liên tục đưa tin phản ánh nhưng danh sách người bị lừa đảo vẫn ngày một dài thêm và chưa có dấu hiệu dừng lại.