Đánh đúng tâm lý của người lao động (NLĐ) muốn tìm việc nhẹ lương cao, thời gian làm việc linh hoạt, ở nhà vẫn có thể kiếm được tiền, những kẻ lừa đảo đã dùng mọi thủ đoạn để đưa "con mồi" vào bẫy.
Mắc bẫy do hám lợi
Công việc mua hàng ảo quả thật là công việc mơ ước của những người nhẹ dạ, cả tin. Dù không có nhu cầu mua hàng, nhiều người vẫn vô tư đặt hàng và thanh toán để mong nhận được tiền hoa hồng. Sau khi hoàn thành đơn hàng, "người tuyển dụng" yêu cầu người làm thanh toán vào một tài khoản khác thay vì tài khoản chủ shop. Khi được hỏi thì được lý giải đây là tài khoản trung gian để tránh thuế...
Người lao động tìm việc tại một sàn giao dịch việc làm có uy tín ở TP HCM
Chị N.T.T.A (28 tuổi, trọ quận 12, TP HCM) cho biết các đơn hàng đầu tiên trị giá chỉ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng sau khi chốt mua và chị đều nhận được tiền gốc, hoa hồng sau vài phút. Thế nhưng, đến đơn hàng thứ 4 trị giá hơn chục triệu đồng thì không được thanh toán với nhiều lý do khác nhau. Các đối tượng lừa đảo yêu cầu chị A. thanh toán nốt đơn hàng thứ 5 sẽ được nhận tiền. Thế nhưng, sau khi thanh toán hết các đơn hàng thứ 5, thứ 6 rồi thứ 7 với gần 200 triệu đồng mà chị A. vẫn không nhận được tiền. "Họ nói tôi chuyển tiền sai lệnh nhưng tôi làm đúng như hướng dẫn. Khi đó, tôi sợ mất tiền gốc nên làm theo vì họ nói sẽ trả lại số tiền chuyển sai lần đầu. Cứ như vậy, tôi sợ mất tiền mà chuyển đến 3 lần tiền cho họ. Đến khi tôi tỉnh ra thì họ "lặn" mất tiêu rồi" - chị A. rơm rớm nước mắt kể lại.
Đáng nói, số tiền mà chị A. bị lừa là tiền chị đánh liều mượn sổ đỏ của gia đình đi cầm cố vay mượn để có vốn mua hàng. Ban ngày làm công nhân, ban đêm chị thực hiện các nhiệm vụ mua hàng ảo với mong muốn đổi đời, có tiền lo cho 2 con còn nhỏ. Trước nguy cơ mất trắng, vỡ nợ, chị A. ngậm đắng nuốt cay đi trình báo cho cơ quan chức năng. Kể từ lúc bị lừa, chị A. phải tăng ca liên tục để trả lãi vay.
Tương tự chị A., chị H.L.T (34 tuổi, ngụ huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) cũng bị lừa gần 500 triệu đồng. Chị T. cho biết kể từ khi sinh con thứ 2, chị nghỉ việc ở nhà bán hàng online. Tuy nhiên 2 năm qua, do dịch bệnh nên tình hình kinh doanh không khả quan. Thấy có thông tin mua hàng ảo cho các sàn thương mại điện tử nhận hoa hồng cao nên chị không tìm hiểu kỹ mà vội vàng tham gia. Vay mượn người thân mỗi lần vài chục triệu đồng, đến khi mất gần nửa tỉ đồng chị mới biết mình bị lừa. "Tôi thấy công việc quá phù hợp với mình. Tôi cũng có kinh nghiệm kinh doanh online rồi nên rất tự tin. Tôi được họ cho vô nhóm chốt lời hằng ngày trên Telegram nên thấy nhiều người kiếm tiền bằng công việc này rất khá vì vậy cũng muốn đổi đời. Nào ngờ trắng tay!" - chị T. nức nở.
Vòng xoáy "nhiệm vụ"
Sau một thời gian vắng bóng, nạn tin nhắn lừa đảo, spam trên iMessage đang xuất hiện trở lại. Gần đây, người dùng iPhone tại Việt Nam liên tục nhận được những tin nhắn quảng cáo, giới thiệu việc làm với mức thu nhập cực kỳ hấp dẫn, gửi trực tiếp tới số điện thoại cá nhân. Những nội dung tin nhắn này giống hệt nhau, trong đó có đính kèm đường link hoặc tài khoản Zalo để người nhận có thể tham gia. Những tin nhắn được gửi từ nhiều địa chỉ email khác nhau, đây là những email đăng ký trên iMessage của iPhone.
Nhiều người sau khi nhận tin nhắn quảng cáo tuyển dụng không rõ nguồn gốc đã làm theo hướng dẫn để rồi bước vào vòng xoáy thực hiện cái gọi là "nhiệm vụ" để kiếm tiền. Công việc của người tham gia là tải ứng dụng của "nhà tuyển dụng" và đăng ký tài khoản để giúp nhà phát hành tăng lượng đăng ký. Sau đó, hằng ngày sẽ được tham gia nhận nhiệm vụ của nhà phát hành với mức hoa hồng hấp dẫn trong suốt quá trình sự kiện diễn ra. Cụ thể, người tham gia phải mua một gói nhiệm vụ có giá trị nhiệm vụ A là 150.000 đồng, nhiệm vụ B là 300.000 đồng, nhiệm vụ C là 500.000 đồng. Khi hoàn thành nhiệm vụ A sẽ rút được tiền ở mức 220.000 đồng, nghĩa là người tham gia được hưởng chênh lệch 70.000 đồng. Tương tự, với nhiệm vụ B, khi hoàn thành sẽ rút được tiền ở mức 400.000 đồng và nhiệm vụ C khi hoàn thành rút được 650.000 đồng. Khi hỏi "nhiệm vụ là gì" thì nhà tuyển dụng sẽ nói "rất dễ nhưng phải tham gia thì mới biết"! Cứ thế, nhiều người đã sập bẫy lừa đảo mang tên nhiệm vụ mơ hồ này để rồi cứ nạp tiền, lấy chênh lệch rồi lại nạp tiền mua nhiệm vụ mà không hề biết khi nào quá trình này sẽ chấm dứt. Điểm chấm dứt có lẽ khi số lượng "con mồi cắn câu" đủ lớn!...
Lộ thông tin cá nhân và bị tống tiền Chị Nguyễn Thị T.A (Quảng Ngãi) nhấn vào một đường link hướng dẫn trên một mẩu tin tuyển dụng đăng trên Facebook. Chị A. truy cập vào liên kết thì được yêu cầu cung cấp số điện thoại, tài khoản ngân hàng, ảnh chụp 2 mặt CMND... và chấp nhận yêu cầu để cho họ (nhà tuyển dụng) quyền truy cập Zalo, Facebook, danh bạ, thư viện ảnh trên điện thoại. Sau khi hoàn tất các yêu cầu thì tài khoản Facebook của chị A. bị chiếm quyền sử dụng và tài khoản ngân hàng còn 2,8 triệu đồng đã bị chuyển đi. Qua mạng Zalo, đối tượng tiếp tục sử dụng những thông tin, hình ảnh đã thu thập trước đó để nhắn tin đe dọa, yêu cầu chị A. chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của đối tượng, nếu không sẽ phát tán hình ảnh, số điện thoại, danh bạ lên các trang web mại dâm, vay nợ... |
(Theo Người Lao Động)
Méo mặt đầu tư tài chính 'hệ'... tâm linh!
Thời gian qua, các Cơ quan chức năng không ít lần lên tiếng cảnh báo người dân trước những chiêu lừa đảo qua hình thức đầu tư tài chính như chơi forex, đầu tư tiền ảo theo hình thức đa cấp...