Điều gì đặt 4 ông lớn vào thế đối đầu với Hạ viện Mỹ?
Cả 4 ông lớn Apple, Facebook, Amazon và Alphabet sẽ phải đưa ra các bằng chứng chứng minh họ đủ điều kiện chiếm lĩnh thị trường một cách hợp pháp trước Uỷ ban Tư pháp Hạ viện Mỹ.
CEO của 4 gã khổng lồ công nghệ Mỹ bao gồm Mark Zuckerberg, Sundar Pichai, Jeff Bezos và Tim Cook đều tỏ ra khá lúng túng khi được hỏi về khả năng lạm dụng sức mạnh công ty để triệt hạ đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn, trong phiên điều trần trước Uỷ ban độc quyền tại Hạ viện Mỹ rạng sáng 30/7 (giờ Việt Nam).
Khác với lần điều trần trước của Mark Zuckerberg, những câu hỏi đặt ra cho lãnh đạo nhóm bộ tứ Công nghệ lần này đều rất sát sườn, không ngô nghê và đánh trúng những vấn đề mà các nền tảng này đang gặp phải.
Không ngạc nhiên khi câu trả lời từ các CEO khá chung chung: "Chúng tôi không lớn đến vậy", "Cạnh tranh là chiến trường khốc liệt" hay "Khách hàng yêu quý chúng tôi".
Các CEO xuất hiện và trả lời trên màn hình TV trong phiên điều trần. Ảnh: Graeme Jennings. |
Câu hỏi tốt, nhưng phần trả lời quanh co
Nhân vật đầu tiên bị chất vấn là Sundar Pichai, CEO Google. Ông được Nghị sĩ David Cicilline hỏi rằng liệu "gã khổng lồ tìm kiếm" có sử dụng dữ liệu giám sát lưu lượng truy cập website để xác định đối thủ tiềm năng hay không.
"Chúng tôi cố gắng nắm bắt xu hướng từ các dữ liệu có thể nhìn thấy", Pichai trả lời khá mơ hồ, không liên quan đến câu hỏi.
Câu trả lời từ các CEO đa phần khá quanh co, không đi thẳng vấn đề. Ảnh: The Epoch Times. |
Được Nghị sĩ Pramila Jayapal chất vấn, nhà sáng lập Amazon, Jeff Bezos nói rằng Amazon có chính sách cấm sử dụng dữ liệu từ người bán để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, nhưng "không thể khẳng định nó chưa từng bị vi phạm".
Bezos nói rằng ông từng đọc báo cáo về việc những chính sách ấy bị vi phạm, không hài lòng vì chưa thể đi đến tận cùng vấn đề.
"Tôi sẽ xem như ông không phủ nhận điều đó", Nghị sĩ Jayapal nói.
Đến lượt Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook được Jayapal hỏi về việc công ty này từng sao chép tính năng của đối thủ bao giờ chưa.
"Rõ ràng chúng tôi tích hợp những tính năng mà ứng dụng khác đã có", Zuckerberg nói.
Lucy McBath, Nghị sĩ từ bang Georgia đã hỏi Tim Cook, CEO Apple về trường hợp ứng dụng đọc sách của Random House bị gỡ khỏi App Store sau khi nhà xuất bản này từ chối hợp tác với iBookstore (kho sách của Apple). Trả lời câu hỏi này, Tim Cook nói rằng có rất nhiều lý do để một ứng dụng bị gỡ.
"Có thể nó không hoạt động đúng cách, hoặc vì một số nguyên nhân khác", CEO Apple nói.
Dựa vào câu trả lời của Cook và bằng chứng có được, McBath nói rằng Apple đã lợi dụng quyền lực để hãm hại đối thủ, trục lợi cho việc kinh doanh của công ty.
"Điều đó cơ bản là không công bằng", McBath thẳng thắn thừa nhận.
Jeff Bezos cho rằng Amazon có chính sách cấm lợi dụng dữ liệu khách hàng, nhưng ngay lập tức cho biết "không thể đảm bảo chính sách không bị vi phạm". |
"Các câu trả lời chứng tỏ họ đã tận dụng mọi dữ liệu thu thập để theo dõi đối thủ và người dùng. Vậy nên dù không muốn thừa nhận, họ cũng không thể phủ nhận chúng", Gene Kimmelman - cố vấn tổ chức Tri thức Công cộng tại Washington (Mỹ), nói.
Tóm lại, việc trả lời quanh co cho thấy hoạt động của các công ty đang thực sự có vấn đề.
Trung Quốc vẫn là chủ đề khó nói
Bên cạnh những cáo buộc độc quyền, các CEO công nghệ còn được hỏi rất nhiều về mối quan hệ làm ăn với Trung Quốc. Cả 4 lãnh đạo công nghệ đều được hỏi rằng liệu họ có tin chính phủ Trung Quốc đã đánh cắp công nghệ từ các công ty Mỹ.
Jeff Bezos cho biết tuy ông có biết về các báo cáo liên quan tới việc đánh cắp công nghệ của Trung Quốc, bản thân ông chưa gặp chuyện này. Tim Cook thì cho biết ông không biết vụ đánh cắp thông tin nào liên quan đến Apple.
Sundar Pichai cũng cho biết Google không bị lấy cắp công nghệ nào, nhưng sau đó lại sửa phát biểu khi nói thêm rằng vào năm 2009, một vụ tấn công mạng từ Trung Quốc nhắm vào Google đã diễn ra. Trước đó, CEO của Alphabet bị chất vấn vì Google đang duy trì một phòng nghiên cứu AI tại Trung Quốc, trong khi tuyên bố dừng các hợp đồng với quân đội Mỹ vì áp lực từ nhân viên.
Trong 4 CEO, Mark Zuckerberg là người duy nhất tỏ rõ quan điểm đồng ý rằng Trung Quốc đã đánh cắp công nghệ Mỹ.
"Tôi nghĩ có nhiều tài liệu chỉ rõ chính phủ Trung Quốc đã lấy cắp công nghệ từ các công ty Mỹ", CEO Facebook nói trong buổi điều trần.
Mark Zuckerberg là người duy nhất mạnh miệng chỉ trích Trung Quốc, nhưng những phát ngôn của ông bị đánh giá là không giống với hành động. Ảnh: Bloomberg. |
Trước đó, khi mở đầu phiên điều trần, Mark Zuckerberg đã nhấn mạnh giá trị của Facebook đối với các ảnh hưởng từ Trung Quốc.
"Facebook có một bộ nguyên tắc căn bản, bao gồm giữ cho mọi người an toàn, bảo lưu các giá trị dân chủ cơ bản như quyền được nói", CEO Facebook cho biết. Ông còn cho rằng đây là "quyền cơ bản với phần lớn chúng ta, nhưng không phải là với mọi người trên thế giới".
"Nếu chúng ta nhìn vào các công nghệ chủ đạo 10 năm trước, phần lớn thuộc về Mỹ. Giờ đây gần một nửa đã là Trung Quốc", Mark Zuckerberg nói thêm.
Nikkei nhận xét CEO Facebook đang vẽ nên một hình ảnh Facebook như một công ty gìn giữ giá trị của Mỹ trước những đe doạ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, lời nói này của ông lại mâu thuẫn với những hành động chỉ vài năm trước, như bài phát biểu bằng tiếng Trung tại đại học Thanh Hoa, hay đeo khẩu trang và chạy khi đi công tác tại Bắc Kinh.
Đây không phải lần đầu Mark Zuckerberg mạnh miệng chỉ trích Trung Quốc trước Quốc hội Mỹ. Tháng 10/2019, ông từng nêu tên TikTok như một ví dụ về ứng dụng thiếu tôn trọng sự riêng tư của người dùng để tôn lên cách hoạt động của WhatsApp.
Việc Mark Zuckerberg mạnh miệng trái ngược với những hành động của mình ngay lập tức trở thành chủ đề bị chỉ trích. Kevin Mayer, CEO mới của TikTok, ứng dụng được xem là biểu tượng sức mạnh công nghệ của Trung Quốc tại Mỹ gọi Mark Zuckerberg là người yêu nước giả tạo.
“Hãy tập trung nguồn lực của chúng ta vào việc cạnh tranh công bằng và cởi mở để phục vụ người dùng thay vì tấn công ác ý đối thủ cạnh tranh. Ở đây là Facebook, núp bóng chủ nghĩa yêu nước để lên kế hoạch đá TikTok ra khỏi nước Mỹ”, Kevin Mayer, CEO mới của TikTok viết trên blog cá nhân.
Theo Zing
Facebook mất vị trí mạng xã hội lớn nhất về vốn hóa vào tay Tencent
Tencent vừa chính thức soán ngôi Facebook trở thành nhà vận hành mạng xã hội có giá trị vốn hóa cao nhất thị trường. "Gã khổng lồ" trò chơi trực tuyến của Trung Quốc hiện là công ty có giá trị thứ 7 thế giới.