Nhà báo Phạm Huyền: Năm 2015, nguồn thu ngân sách quốc gia đặc biệt khó khăn. Chỉ riêng cú sốc giá dầu giảm, dẫn đã gây hụt thu ngân sách hơn 40.000 tỷ đồng, dẫn đến cân đối ngân sách rất căng thẳng. Thế nhưng có những tỉnh không đủ tiền trả lương cho công chức, giáo viên thì có những tỉnh lại đề nghị xây dựng, khởi công những khu trung tâm hành chính, tượng đài nghìn tỷ.
TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội đã trao đổi với chuyên mục Góc nhìn thẳng về nghịch lý này.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về nghịch lý ngân sách khó khăn, có tỉnh không có đủ tiền trả lương công chức, giáo viên, văn phòng hết tiền chi tiêu nhưng lại có những tỉnh, thành đề nghị xây dựng, khởi công những khu trung tâm hành chính, tượng đài nghìn tỷ?
TS Nguyễn Đức Kiên: Ngân sách của chúng ta đang phân chia như hiện nay là làm theo Luật Ngân sách. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, từ nhiều năm nay, chúng ta có khoảng hơn 13 tỉnh có nguồn thu để nộp về ngân sách Trung ương, còn lại khoảng 50 tỉnh, thành phố phải nhận điều tiết từ ngân sách Trung ương xuống.
Cho nên, việc một số địa phương có nguồn thu không đủ chi, phải đợi từ ngân sách Trung ương hỗ trợ về, có thể chậm lương của giáo viên, hoặc có thể đến kỳ lĩnh, du di lùi lại, chuyện đó tất yếu có thể xảy ra. Đặc biệt, trong bối cảnh năm 2015 gặp khó khăn như ban đầu biên tập viên đã nói.
Nhưng cũng có những tỉnh vượt thu ngân sách, do doanh nghiệp ở đó phát triển tốt hơn, nguồn thu theo Luật Ngân sách được để lại cao hơn. Nếu những công trình xây dựng đó nằm trong quy hoạch từ trước, đã có đề án, đã được duyệt theo Luật Ngân sách thì chuyện đó là chuyện bình thường.
Nhà báo Phạm Huyền: Kỷ luật chi tiêu ngân sách như vậy, theo ông có phải do việc phân cấp quá mạnh, khiến các địa phương mạnh ai nấy làm, sự gắn kết cái riêng trong nhu cầu chi tiêu ở địa phương gắn với yêu cầu phát triển chung là rất mờ nhạt?
TS Nguyễn Đức Kiên: Đối với Luật Ngân sách, chúng ta đang cố gắng phân chia cho rõ ràng và phân cấp hơn nữa đối với chính quyền địa phương để tạo sự chủ động cho chính quyền, đồng thời, chúng ta hy vọng các công trình mang lại tác động trực tiếp tích cực tới đời sống của người dân.
Còn việc, các địa phương cân đối như thế nào đối với việc chi tiêu ngân sách của địa phương mình, dừng việc chi tiêu đối với an sinh xã hội để đầu tư các tượng đài, trung tâm hành chính như thế nào, trách nhiệm đó trước hết thuộc về Hội đồng nhân dân của địa phương, thứ hai là thuộc về trách nhiệm người đứng đầu của đơn vị địa phương đó.
Không phải bây giờ, chúng ta thấy một địa phương xây dựng trung tâm hành chính, tượng đài rồi quy trách nhiệm cho Trung ương. Đó là việc không phải. Đã có phân cấp, phân quyền, phải có trách nhiệm, ai làm người đó chịu trách nhiệm.
|
Nhà báo Phạm Huyền: Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết đã có khoảng 15 khu được xây,vốn trung bình đều trên 1.000 tỷ đồng và thậm chí có khu lên tới 5.000 tỷ đồng. Theo ông, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, chúng ta có cần thiết phải xây dựng những khu hành chính hoành tráng như vậy?
TS Nguyễn Đức Kiên: Trước hết, phải xem 15 khu trung tâm hành chính đó, có trung tâm nào lấy nguồn hỗ trợ từ Ngân sách của Trung ương hay họ tự điều tiết ngân sách của mình, họ bán các trụ sở cũ đi, để lấy tiền xây dựng khu hành chính tập trung. Như vậy, họ theo hướng cải cách hành chính, tập hợp lại thành một trụ sở.
Ví dụ ở Đà Nẵng, cả một toà nhà trung tâm hành chính tập trung bên bờ sông Hàn, tầng 1 khu hành chính đó là trung tâm một cửa của UBND thành phố Đà Nẵng. Việc làm đó được dư luận xã hội và người dân Đà Nẵng đánh gía cao về sự thân thiện, bớt phiền hà đối với người dân từ các cơ quan công quyền.
Còn những đơn vị chưa có tiền mà lại lấy từ tiền Ngân sách Trung ương hỗ trợ mới là điều đáng nói. Ví dụ như Đà Nẵng, Bình Dương, họ tự cân đối được ngân sách và nguồn thu của họ vượt, họ tự điều chỉnh được. Nếu việc đó phục vụ cho cải cách hành chính, cho sự thuận lợi của người dân thì nên để cho anh em địa phương chủ động.
Nếu như họ phải lấy vốn hỗ trợ từ Ngân sách Trung ương để xây dựng những công trình đó, mà vốn cho an sinh xã hội, như lương trả cho giáo viên không có, người nghèo vẫn tăng, các cơ sở hạ tầng như trạm y tế, trường học vẫn chưa đạt chuẩn thì đấy mới là điều đáng nói.
Nhà báo Phạm Huyền: Theo ông, để xảy ra những công trình nghìn tỷ ít tác dụng trong việc trực tiếp phát triển kinh tế, xã hội như vậy, trách nhiệm trước tiên thuộc về ai?
TS Nguyễn Đức Kiên: Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và theo Luật Ngân sách còn có hiệu lực cho đến hết 31/12/2016 thì việc xây dựng các công trình phúc lợi, văn hoá ở địa phương là trách nhiệm của HĐND địa phương khi duyệt ngân sách hàng năm và trách nhiệm của UBND.
Ngoài ra, chúng ta phải nói rằng, có cả trách nhiệm của cả tổ chức Đảng ở tỉnh đó, địa phương đó đối với các vấn đề đấy. Đó là trách nhiệm trực tiếp và đầu tiên của các cơ quan đó.
Thứ hai, đó là trách nhiệm của các cơ quan trung ương, trong đó có Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Quốc hội trong việc giám sát việc thực hiện chi tiêu ngân sách trong tình huống đó.
Quốc hội giám sát xem việc chi tiếu đó có đúng với dự toán, kế hoạch không. Còn Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính phải cân đối được xem, trong bối cảnh chung của xã hội thì việc đầu tư ngay vào một công trình lớn, hàng nghìn tỷ phải xem cân đối nguồn vốn của họ như thế nào.
Đặc biệt, theo Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư phải thẩm định xem nguồn vốn cho dự án công trình đó cân đối từ đâu thì mới được khởi công.
Xin cảm ơn ông!
VietNamNet