Hà Giang đang có 7 huyện nghèo trong số 74 huyện nghèo của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo là 37,08%. Hà Giang vẫn được xem là tỉnh nghèo, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu, quy mô kinh tế nhỏ bé, chất lượng nhân lực thấp.

Với hàng loạt chính sách đầu tư, hỗ trợ từ hạ tầng giao thông đến việc xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, công tác xóa đói giảm nghèo của Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng: số hộ nghèo giảm theo từng năm (năm 2023 giảm 13.276 hộ so với năm 2022); người dân đã từng bước thay đổi tư duy, nhận thức, phát huy nội lực, có ý chí vươn lên thoát nghèo...

Tỉnh Hà Giang xác định, giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao đời sống nhân dân là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hà Giang đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Ảnh màn hình 2024 06 01 lúc 23.10.33.png
Khơi dậy khát vọng vươn lên cho các hộ nghèo ở Hà Giang. 

Trong đó, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách; tập huấn nâng cao năng lực, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp và đối tượng liên quan; khởi công mới hàng trăm công trình thiết yếu và triển khai nhiều mô hình giảm nghèo bền vững, tạo sinh kế, việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo.

Trong năm 2023, Hà Giang đã giải ngân trên 450 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư phát triển, đạt 92,63% kế hoạch. Với những nỗ lực trên, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 7,34%, vượt kế hoạch. Vùng “lõi” nghèo có bước phát triển mới, đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số được nâng lên, góp phần quan trọng thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Không chỉ phát triển tốt các mô hình giảm nghèo theo hình thức phát triển kinh tế tập thể, mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang được các ngành, địa phương rà soát, lựa chọn, xây dựng các dự án để tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Nổi bật, đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động được coi là một trong những “chìa khóa” giảm nghèo được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Gần đây, câu chuyện nhường lại những khoản hỗ trợ của Nhà nước cho các gia đình thật sự khó khăn hơn trên địa bàn các huyện vùng cao như Đồng Văn, Mèo Vạc... không còn lạ, là minh chứng cho ý chí, tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của bà con nơi địa đầu Tổ quốc. 

Cuối năm 2023, 31 hộ dân thôn Tráng Phúng A, xã biên giới Phố Cáo, huyện Đồng Văn cùng viết đơn xin thoát nghèo. Đây là một trong những tín hiệu mừng vì người dân đã có ý chí vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Việc các hộ dân viết đơn xin thoát nghèo không chỉ lan tỏa thông điệp tích cực về tinh thần chủ động vươn lên thoát nghèo, mà khẳng định công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả thực chất và bền vững.

Được biết, giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm trở lên. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm 6%/năm trở lên. Thực hiện mục tiêu này, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững.

Tỉnh tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững, hỗ trợ có điều kiện; tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững…

Đoàn Bổng và nhóm PV