Ngày 12/12, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 16, năm 2020.

Giải thưởng do Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

{keywords}
 

Năm 2020 Ban tổ chức đã nhận 754 đề tài của 57 tỉnh, thành phố tham dự cuộc thi.

Hội đồng Giám khảo đã xem xét, đánh giá các mô hình sáng tạo và chọn trao giải thưởng cho 106 mô hình thuộc 5 các lĩnh vực: đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Các giải thưởng bao gồm: 1 giải Đặc biệt, 5 giải Nhất, 10 giải Nhì, 30 giải Ba, 60 giải Khuyến khích. Tổng giá trị tiền thưởng là 735 triệu đồng.

Giải Đặc biệt thuộc về mô hình "Di sản văn hóa người Dao Lào Cai" của nhóm tác giả học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở A Mú Sung (Bát Xát, Lào Cai).

5 Giải nhất được trao cho các mô hình: "Dụng cụ chẻ thân khoai mì" nhóm tác giả học sinh trường Võ Thị Sáu, Trảng Bom, Đồng Nai; "Rạp chiếu phim lịch sử và sân khấu múa rối" của nhóm tác giả học sinh Trường Tiểu học Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội; "Guồng nước đa năng" của nhóm tác giả Trường Trung học cơ sở Diễn Hải, Diễn Châu, Nghệ An; "Mô hình hệ thống thiết bị cắt - băm, sấy cỏ/ngô kết hợp năng lượng mặt trời và đóng bao ủ chua làm thức ăn gia súc" của nhóm tác giả học sinh đến từ nhiều trường THCS của Hà Nội; "Xe hỗ trợ di chuyển cho người khuyết tật điều khiển bằng đầu hoặc cổ tay” của nhóm tác giả Trường THPT Lương Thế Vinh, TP HCM. 

Độc đáo và sáng tạo

Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc là sân chơi bổ ích nhằm khơi dậy tiềm năng sáng tạo khoa học, kỹ thuật trong đời sống, học tập và phát huy tư duy sáng tạo của thanh, thiếu niên, nhi đồng; đồng thời giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành các nhà sáng chế trong tương lai.

Cuộc thi dành cho học sinh từ 6 - 19 tuổi, khuyến khích các em nhỏ tuổi, các em ở vùng núi, biên giới, hải đảo...

Được tổ chức từ năm 2004, đến nay cuộc thi đã thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn học sinh trong cả nước với hàng nghìn đề tài dự thi.

Theo Ban tổ chức, các tác phẩm đoạt giải năm nay thể hiện rõ ý tưởng sáng tạo phong phú của học sinh, một số sản phẩm có tính ứng dụng cao trong cuộc sống.

Trong số mô hình đoạt giải, Giải Đặc biệt với đề tài “Di sản văn hóa người Dao Lào Cai” được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao về tính kỹ thuật và tính sáng tạo, đi sâu vào nét văn hóa dân tộc của của người Dao nơi các em sinh sống, mô phỏng lại nghi lễ cấp sắc của người Dao - một nghi lễ giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Dao.

{keywords}
Hai học sinh Tẩn A Sì và Tẩn Sì Mẩy bên mô hình đạt giải đặc biệt cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc

Mô hình đạt giải được cấu tạo từ những vật liệu có sẵn như gỗ, vải, tre, sắt, mô-tơ điện để mô phỏng, tái hiện các nghi lễ cúng rừng, lễ cơm mới, đám cưới và đặc biệt là nghi lễ cấp sắc ở ngoài trời và trong nhà với phối cảnh thiên nhiên.

Hoạt động của mô hình theo nguyên lý chuyển động cơ học, từ mô-tơ điện tới các trục quay và truyền lực tới các khớp nối giữa người được cấp sắc và thầy cúng. Bật công tắc trục quay gắn với mô-tơ điện chuyển động và truyền lực lên các khớp nối, khi đó, người được cấp ắc và các thầy cúng sẽ thực hiện các thao tác trong lễ cấp sắc.

Mô hình mô phỏng chân thực, chi tiết từng nghi thức của buổi lễ khiến người xem có thể dễ dàng hiểu nét đặc trưng văn hóa của buổi lễ, có thể là tiền đề cho việc nghiên cứu, phát triển các mô hình bảo tồn nét đạp văn hóa truyền thống khác của các dân tộc trên khắp cả nước.

Kim Anh