Dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư 11.000 tỷ đồng được khởi công ngày 24/12/2022 do Tổng công ty hàng không (ACV) làm chủ đầu tư.
Dự án có 3 hạng mục chính gồm nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn trước nhà ga.
Trong đó, nhà ga có một tầng hầm, 4 tầng nổi, xây trên diện tích 11,25ha, thiết kế theo tiêu chuẩn sân bay quốc tế, đảm bảo khách đi thuận tiện cũng như được tiếp cận nhiều tiện nghi, khu mua sắm... Khu vực nhà xe cũng được thiết kế hiện đại, gồm hai tầng hầm, 4 tầng nổi, xây trên tổng diện tích 13ha.
Trước đó, dự án được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư ngày 19/5/2020 với công suất 20 triệu khách/năm. Sau khi hoàn thành nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất được nâng công suất khai thác đạt 50 triệu khách/năm.
Đến dự và chỉ đạo tại buổi lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc hoàn thành ga T3 sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, du lịch, an ninh quốc phòng chung cho cả nước.
Với mục tiêu dự án hoàn thành năm 2024, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, TP.HCM cùng các bộ ngành liên quan phải bám sát tiến độ, không đội vốn bất hợp lý và tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực.
Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa: Khởi công chiều 24/12/2022 do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) làm chủ đầu tư.
Dự án có diện tích đất sử dụng khoảng 15,5ha, là công trình giao thông nhóm A với tổng mức đầu tư hơn 4.848 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư ngân sách thành phố.
Theo thiết kế, dự án này có tổng chiều dài hơn 4km, mặt cắt ngang 6 làn xe, vận tốc thiết kế 50 km/h, điểm đầu tại vị trí giao đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện và điểm cuối tại vị trí giao đường C12 - Cộng Hòa - Trường Chinh.
Trên tuyến có hạng mục cầu vượt tại khu vực trước nhà ga T3 với tổng chiều dài 988m, mặt cắt ngang 17m (4 làn xe); 2 hầm chui tại nút giao đường Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn có tổng chiều dài 400m, mặt cắt ngang 9m (2 làn xe); tại nút giao đường Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý có tổng chiều dài 350m, mặt cắt ngang 9m (2 làn xe).
Mục tiêu dự án giúp kết nối trực tiếp với nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Đồng thời tạo ra một tuyến đường mới song hành và giảm tải cho các tuyến đường Cộng Hòa, Trường Chinh hiện hữu, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và kéo giảm tình trạng ùn tắc trong khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Tại cửa ngõ phía Nam, dự án mở rộng quốc lộ 50, huyện Bình Chánh được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) tổ chức lễ khởi công vào sáng 27/12/2022.
Dự án này được Sở GTVT phê duyệt hồi cuối tháng 3/2022 với tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương và địa phương.
Điểm đầu dự án này giao với đường Nguyễn Văn Linh, điểm cuối tiếp giáp tỉnh Long An với tổng chiều dài toàn tuyến 6,92km. Mặt cắt ngang đường rộng 34m (tương đương 6 làn xe) cùng hệ thống thoát nước, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng và hào kỹ thuật theo quy định.
Trong 6,92km chiều dài tuyến có 4,36km xây dựng mới (từ vị trí giao với đường Nguyễn Văn Linh đến vị trí giao với quốc lộ 50 hiện hữu), 2,56km mở rộng quốc lộ 50 hiện hữu.
Trên tuyến có 1 nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành) và cầu Bà Lớn xây mới dài 40m, rộng 34m, cầu Ông Thìn với 1 nhánh cầu xây mới và 1 nhánh cải tạo cầu hiện hữu với tổng mặt cắt ngang 6 làn xe.
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban giao thông cho biết, dự án có 6 gói thầu xây lắp, trong đó 4 gói làm các đoạn đường song hành quốc lộ 50 và cầu Bà Lớn đã đủ điều kiện thi công. Mục tiêu hoàn thành toàn bộ công trình vào tháng 12/2024.
Quốc lộ 50 là trục đường huyết mạch nối TP.HCM qua Long An đến Tiền Giang. Hiện nay, đoạn tuyến qua địa bàn TP.HCM chật hẹp lại "cõng" thêm hàng ngàn xe chở rác chạy về Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước mỗi ngày. Vì thế, trục đường huyết mạch này luôn rình rập nguy cơ xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông.
Dự án mở rộng quốc lộ 50 sẽ tăng cường năng lực khai thác liên kết TP.HCM với tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây; tăng cường kết nối khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến Vành đai 3 TP.HCM trong thời gian tới.
Nút giao An Phú ở phía Đông TP.HCM được khởi công vào sáng 29/12/2022 với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng.
Đây là dự án đầu tư xây dựng một nút giao thông khác mức hoàn chỉnh gồm 3 tầng. Cụ thể, xây hầm chui hai chiều nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống.
Dự án xây dựng các đảo, tiểu đảo, tháp biểu tượng, cùng các hạng mục như đài phun nước, chiếu sáng mỹ thuật... Ở trên cao, xây hai cầu vượt gồm một cầu dạng chữ Y nối đường Mai Chí Thọ (phía xa lộ Hà Nội) và Lương Định Của qua đường dẫn cao tốc, một cầu vượt rẽ phải từ đường dẫn cao tốc qua Mai Chí Thọ.
Riêng tại nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống, dự án xây hai cầu vượt kết nối đường Mai Chí Thọ (phía Xa lộ Hà Nội) với đường Đồng Văn Cống và ngược lại. Xây dựng thêm nhánh cầu tại cầu Giồng Ông Tố, cầu Bà Hạt để đồng bộ với quy mô nút giao.
Nút giao An Phú dự kiến hoàn thành năm 2025, góp phần giảm ùn tắc cho khu vực và đồng bộ với công trình mở rộng cao tốc Long Thành - Dầu Giây.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, việc triển khai dự án nút giao An Phú là bước đầu giúp nơi này trở thành một trong đầu mối giao thông lớn nhất TP HCM. Bởi nơi này còn nhiều dự án, loại hình giao thông khác cũng triển khai như cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Vành đai 3, đường sắt nhẹ TP.HCM - Nha Trang, TP.HCM - Long Thành...