Dịch viêm đường hô hấp do virus nCoV, hay thường được gọi là corona, đang có những diễn biến phức tạp. Tính đến thời điểm bài viết đã ghi nhận 28.000 ca nhiễm virus, trong đó có 560 ca tử vong. Tại Việt Nam hiện đang có 12 trường hợp dương tính với corona, và rất may là chưa có trường hợp nào tử vong vì virus này. Mặc dù số ca bệnh tại Việt Nam là tương đối khiêm tốn so với ổ dịch Trung Quốc, tuy nhiên người dân vẫn cần đặc biệt cảnh giác cao độ bởi đây vẫn là thời gian cao điểm của dịch.
Bên cạnh việc sử dụng khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, tăng cường sức đề kháng... thì tránh tụ tập đông người cũng là một biện pháp cần thiết để hạn chế sự lây lan của virus. Chính vì vậy trong tuần qua, mặc dù kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán đã kết thúc, nhưng nhiều tỉnh thành và các trường đại học vẫn cho học sinh/sinh viên nghỉ học.
Theo kế hoạch ban đầu, học sinh/sinh viên sẽ nghỉ đến hết ngày 9/2 và quay trở lại học tập vào ngày 10/2. Thế nhưng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số tỉnh thành và trường đại học đã tiếp tục kéo dài lịch nghỉ cho đến ngày hết ngày 16/2.
Biết rằng nghỉ học là điều mà sinh viên rất thích, nhưng với thời gian nghỉ dài như vậy thì ngay cả những sinh viên "lười học" nhất cũng cảm thấy chán. Nói một cách nghiêm túc, việc nghỉ học dài không chỉ gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận kiến thức của sinh viên, mà là còn với tiến độ dạy và học của toàn trường. Vì vậy, không ít sinh viên tỏ nguyên vọng muốn quay trở lại học tập, bất chấp dịch bệnh hoành hành.
Trước hai luồng ý kiến trái ngược, thay vì tự mình đưa ra quyết định, Ban giám hiệu Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã tiến hành "trưng cầu dân ý" sinh viên theo một cách rất hi-tech: biểu quyết online. Thông qua mạng xã hội Facebook cũng như hệ thống email nội bộ, chỉ sau vài giờ, hàng chục nghìn sinh viên đã tham gia bỏ phiếu.
Cách thức tiếp nhận ý kiến sinh viên rất "4.0" này đã giúp cho ban giám hiệu nhà trường nhanh chóng đưa ra quyết định chỉ sau một buổi sáng. Đến chiều ngày 6/2, Đại học Bách Khoa Hà Nội công bố trên Facebook rằng lịch học sẽ tiếp tục được lùi đến ngày 17/2, dựa theo nguyện vọng của 57% sinh viên.
Cách thức bầu chọn của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tuy không có gì quá đặc biệt, tuy nhiên có thể coi đây là một bài học kinh nghiệm mà các trường đại học khác có thể học tập, đặc biệt là trong thời điểm nhạy cảm với nhiều luồng ý kiến trái chiều như hiện nay.
Theo GenK