Gã khổng lồ game NetEase là công ty Trung Quốc mới nhất tham gia làn sóng phát triển dịch vụ AI phong cách ChatGPT. CodeWave là nền tảng phát triển ứng dụng được hỗ trợ bởi mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của NetEase. Nó được thiết kế nhằm cho phép người dùng doanh nghiệp sản xuất phần mềm đơn giản mà không cần kỹ năng lập trình phức tạp.
Người dùng chỉ cần nhập vài dòng mô tả (prompt) về các chức năng mong muốn, CodeWave sẽ tạo ra đoạn code cần thiết để tạo ra ứng dụng. Theo Ding Lei, nhà sáng lập kiêm CEO NetEase, với công nghệ AI, con người “đang bước vào kỷ nguyên hiệu suất nhân lên gấp bội”.
CodeWave là một phần của bộ phận Digital Sail thuộc NetEase, cung cấp các dịch vụ từ điện toán đám mây đến giải pháp số hóa cho năng lượng, tài chính, sản xuất, vận tải, dược phẩm để đưa doanh nghiệp truyền thống lên mạng.
NetEase cho biết đang tìm cách tận dụng sức mạnh của AI tạo sinh – công nghệ có khả năng tạo ra hình ảnh, văn bản hay video mới – để cải thiện dịch vụ quản trị tài sản và trí tuệ doanh nghiệp (công cụ hỗ trợ doanh nghiệp truy cập thông tin quan trọng, phân tích và ra quyết định).
Vào tháng 11/2022, cuộc đua AI giữa các “ông lớn” công nghệ đã khởi tranh với sự ra đời của ChatGPT, chatbot AI do OpenAI phát triển. Chatbot nhanh chóng trở thành hiện tượng nhờ khả năng viết luận, làm thơ, lập trình… Từ năm 2018, NetEase đã bắt đầu nghiên cứu LLM và làm hơn 10 mô hình đào tạo trong các lĩnh vực như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, chuyển văn bản thành hình ảnh…
Dù vậy, công ty cũng chịu áp lực cạnh tranh từ các đối thủ nội địa. Tháng trước, công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc Baidu ra mắt Ernie Bot, chatbot tương tự ChatGPT, còn Alibaba giới thiệu mô hình Tongyi Qianmen trong tháng này.
Alibaba đã tích hợp Tongyi Qianwen vào công cụ cộng tác trực tuyến DingTalk, bổ sung các tính năng như tóm tắt nội dung trò chuyện trước đó cho thành viên mới của một nhóm, hay viết bài dựa trên prompt của người dùng. Sau DingTalk, Alibaba sẽ đưa Tongyi Qianwen lên Tmall Genie – các sản phẩm gia dụng thông minh của hãng.
(Theo SCMP)