Thường trực Chính phủ sáng 4/10 đã có cuộc gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ngành và 200 doanh nhân tiêu biểu cùng tham dự.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, cuộc gặp mặt nhằm để cùng tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân có đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ sự xúc động trước việc các doanh nghiệp, doanh nhân tự giác đóng góp, chia sẻ, giúp đỡ "rất chân tình, nhiệt thành, hiệu quả" đồng bào 26 địa phương bị thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra.

thu tuong pham minh chinh.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, trong đó có đóng góp của các doanh nhân, doanh nghiệp. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trân trọng hoan nghênh, chào đón các nhà doanh nhân Việt Nam - những người đầy tài năng, tâm huyết, có ý thức sâu sắc và đúng đắn về trách nhiệm then chốt, vai trò tiên phong của mình trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế của đất nước.

Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, trong đó có đóng góp của các doanh nhân, doanh nghiệp.

"Cổ nhân có câu: "Phi công bất phú, phi thương bất hoạt" để nói lên tầm quan trọng, không thể thiếu của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển. Không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ và đất nước sẽ không thể thịnh vượng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại cuộc gặp này, Thủ tướng Chính phủ đề nghị đại diện các doanh nghiệp chia sẻ về những cảm xúc, suy nghĩ, những băn khoăn, trăn trở với sự phát triển của đất nước nói chung và của các doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng; đưa ra các góp ý để đã làm tốt rồi còn làm tốt hơn nữa, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp rồi đóng góp nhiều hơn nữa, đặc biệt là góp ý thể chế để doanh nhân phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. 9 tháng đầu năm, có hơn 183 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Với tốc độ tăng như hiện nay, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2024 sẽ tiếp tục cao hơn con số 159 nghìn của năm 2023 và là năm thứ ba liên tiếp lập kỷ lục về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Luỹ kế kể từ năm 2000 đến hết năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới sẽ vượt con số 2,1 triệu doanh nghiệp.

Ông Dũng cũng thông tin, theo khảo sát nhanh gần đây cho thấy tình hình doanh nghiệp đã lạc quan hơn rất nhiều, thể hiện niềm tin đã được củng cố, tăng cường: tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá "tích cực" về kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới cao gấp 5 lần so với kỳ khảo sát trước.