Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước ngày 21/9, nhiều doanh nhân đã đóng góp ý kiến, đề xuất sáng kiến để chung tay phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Biến Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực và thế giới
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sovico, cho biết trong điều kiện những thách thức về kinh tế hiện nay, cần tạo điều kiện để hàng không thu hút nhanh nhất du lịch, giao thương, đầu tư quốc tế đến Việt Nam.
"Hãy biến Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực và thế giới. Với vị trí thuận lợi, chúng ta hãy khẩn trương đầu tư, nâng cấp hệ thống sân bay quốc tế để trở thành trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hoá quốc tế như Bangkok, Singapore, Hàn Quốc,…”, bà Thảo nói.
Đại diện Vietjet thông tin thêm, Việt Nam là trung tâm đào tạo nhân lực và công nghệ hàng không. Việt Nam hoàn toàn có điều kiện và năng lực để xây dựng hệ thống hanggar là hạ tầng cho trung tâm dịch vụ kỹ thuật tàu bay quy mô khu vực tại các sân bay Việt Nam. Vietjet vận hành hơn 100 tàu bay nhưng không có được hanggar ở Việt Nam. Hàng trăm cán bộ kỹ thuật của Vietjet đang thực hiện bảo dưỡng kỹ thuật tàu bay ở sân bay Viêng chăn trong liên doanh với Lào Airlines, chi phí khá tốn kém.
Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu sản xuất linh kiện tàu bay. Với số lượng đặt hàng tàu bay lớn, Việt Nam có điều kiện để trở thành trung tâm sản xuất linh kiện và lắp ráp tàu bay như Trung Quốc đang sản xuất linh kiện tàu bay Boeing và lắp ráp tàu bay Airbus.
Trung tâm sản xuất ô tô cho các hãng quốc tế tại Việt Nam
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Trường Hải cho biết, hiện nay là giai đoạn thay đổi rất nhiều về công nghệ, đặc biệt ngành công nghiệp ô tô đang hướng tới xanh, sạch.
Tập đoàn Trường Hải đang theo đuổi là trung tâm sản xuất ô tô cho các hãng quốc tế tại Việt Nam và các khu vực, đặc biệt khu vực Asean…
Về công nghiệp hỗ trợ, để đầu tư lĩnh vực này, đòi hỏi về sản lượng lớn và rất nhiều về công nghệ. Hiện công nghiệp hỗ trợ đã có trong rất nhiều ngành nghề. "Chúng tôi đang triển khai tiếp khu công nghiệp sản xuất về cơ khí công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, vì hiện nay các nước FDI đưa sang Việt Nam lắp ráp và chuyển về rất nhiều, trong số đó, chúng ta sản xuất từ 35-40% các chi tiết linh kiện, phụ tùng…", ông Trần Bá Dương cho biết.
Trong lĩnh vực về linh kiện ô tô, năm 2024, Trường Hải đã bán cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với 13 triệu USD, dự kiến sang năm sẽ nhiều hơn.
Đại diện Trường Hải kiến nghị đối với công nghiệp phụ trợ, rất mong Chính phủ xem xét và quan tâm. Hiện lĩnh vực cơ khí có tính về đời sống, lao động giản đơn, phù hợp với một lượng lớn lao động, đây là cơ hội phát triển công nghiệp nền tảng ở Việt Nam cũng như xuất khẩu.
Áp dụng mô hình thương mại tự do
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Sun Group, kiến nghị cần thể chế hóa việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo cơ chế giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực thực hiện các dự án trọng điểm mang tính trọng lực phát triển kinh tế-xã hội. Đi kèm với cơ chế lựa chọn này, cũng cần có các cơ chế đặc thù đi kèm.
Chủ tịch Sun Group kiến nghị xem xét áp dụng mô hình thương mại tự do tại các địa bàn tiềm năng du lịch biển đảo như Phú Quốc nhằm phát triển thu hút đầu tư. “Với cơ chế đặc thù theo mô hình kinh tế tự do, chắc chắn Phú Quốc sẽ trở thành điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng mới của thế giới", ông Trường nói.
Liên quan đến cơ chế dành cho thị trường khách du lịch nước ngoài, ông Trường đề xuất các bộ, ngành tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương, miễn thị thực ngắn hạn thí điểm cho khách du lịch từ một số thị trường quy mô lớn, chi tiêu cao; cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần cho phân khúc từ Ấn Độ, Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu…
“Make in Việt Nam” vươn tầm quốc tế
Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KN Group, cho biết doanh nghiệp đang hướng tới xây dựng trung tâm công nghiệp thế hệ mới, hiện đại, đầy đủ tiện nghi cho công nhân viên và những chuyên gia làm việc tại các khu công nghiệp. Từ đó, đưa Việt Nam có thể làm chủ công nghệ phát triển mạnh mẽ và các trung tâm đào tạo ngành nghề, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển giao thông thuận lợi, hiện đại.
Ông Kiểm kỳ vọng cùng với sự ủng hộ của Chính phủ sẽ ngày càng có nhiều sản phẩm công nghệ cao mang thương hiệu Make in Việt Nam vươn tầm quốc tế.
"Chúng tôi mong Chính phủ có chính sách khuyến khích đầu tư đột phá, đảm bảo cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược đa quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, AI…", ông Lê Văn Kiểm bày tỏ.