- Lãnh đạo TQ đừng cậy nước mình lớn. Ngày xưa chủ nghĩa bá quyền Đại Hán được, chứ thế giới hôm nay khác xưa rồi - nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão chia sẻ.
Theo ông Vũ Mão, kỳ họp QH này có thể ra một thông điệp chính thức về tình hình Biển Đông và việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan, với ít nhất 5 nội dung: Hoan nghênh nhân dân đã biểu thị lòng yêu nước cao cả, sẵn sàng vì Tổ quốc, biểu dương các chiến sĩ, ngư dân đang chiến đấu, lao động nơi tiền tuyến; Ủng hộ cách xử lý của lãnh đạo Đảng, nhà nước vừa qua, nhấn mạnh ngăn chặn sự kích động; Tỏ thái độ kiên quyết bảo vệ chủ quyền Tổ quốc; Đánh tín hiệu với nhân dân thế giới và nhân dân TQ rằng người VN yêu chuộng hòa bình, muốn là bạn với các nước, đặc biệt là TQ, để có được sự chia sẻ, cảm thông;
Và thứ năm, trong tình hình còn phức tạp, ta phải lấy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dĩ bất biến ứng vạn biến - để xử lý các vấn đề trong quan hệ quốc tế, đặc biệt với TQ hiện nay.
Nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão |
Nhân dân TQ chưa hiểu
- Theo ông, QH ta cần gửi đi thông điệp gì đến với công chúng thế giới và TQ xung quanh sự việc này?
Việc phê phán là đương nhiên, kêu gọi nhân dân thế giới, nhân dân các nước ủng hộ chúng ta, cũng là đương nhiên.
Nhưng một điều cần thiết, quan trọng là thể hiện thái độ rất thiện chí với nhân dân TQ. Họ cũng như nhân dân VN đều yêu chuộng hòa bình. Còn hành động trái phép là của một bộ phận lãnh đạo TQ.
Tôi nghĩ nhân dân TQ hiện chưa hiểu vì lãnh đạo của họ đang tuyên truyền đó là vùng biển của TQ (!), để rồi nói rằng đặt giàn khoan là chính đáng, phê phán VN hiếu chiến, gây sự (!). Để nhân dân TQ hiểu như vậy là rất nguy hiểm. QH lần này nếu có nghị quyết thì phải nói rõ chúng ta yêu mến nhân dân TQ, tha thiết mong họ hiểu ta nhiều hơn.
- Theo ông quan hệ tới đây giữa hai nước Việt - Trung sẽ thế nào?
Tôi tha thiết mong quan hệ hai nước trở lại hữu nghị. Thử nghĩ nếu hai bên cứ căng thẳng, ở bên cạnh nhau rồi ục ịch nhau thì làm sao yên tâm xây dựng đất nước.
TQ là nước lớn, có sức mạnh, lại thêm tư tưởng Đại Hán thì rất khó cho chúng ta. Nhưng ông cha ta nói cái khó ló cái khôn. Cái khôn đó chúng ta sẽ chờ ở sáng kiến tại QH, các đại biểu kỳ này.
Chúng ta cần vừa kiên quyết, vừa kiên nhẫn, không mắc mưu của họ. Phải tỉnh táo, nhìn nhận sâu sắc, tìm cách hạ nhiệt để ngồi lại đàm phán với nhau.
Kinh nghiệm đàm phán biên giới trên bộ cũng rất khó khăn, bao nhiêu năm trời, hết ngày này đến đêm khác, vất vả, tranh luận kinh khủng. Nhưng ta đâu có lùi bước, vừa kiên quyết vừa tìm ra điểm đồng. Trong quan hệ quốc tế, hay trong ASEAN, đều phải vậy, tạm gác khác biệt, tìm điểm đồng để ngồi với nhau chứ đập bàn, đập ghế thì không được.
Theo tôi đó là xu hướng tất yếu, chúng ta mong muốn vậy và tôi tin rằng, phía TQ cũng cần nhìn nhận, xem xét vấn đề một cách hợp lý để đi đến xu hướng đó.
- Vậy theo ông, chúng ta nên ứng xử thế nào để giải quyết vấn đề căng thẳng này?
Đã có thời kỳ quan hệ VN - TQ rất tốt đẹp. Rất buồn là chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, chúng ta vẫn cố gắng để bình thường hóa quan hệ với TQ. Trong mấy chục năm qua, có thể nói quan hệ đang phát triển tốt đẹp.
Nhưng rõ ràng TQ luôn cậy là nước lớn, có lực mạnh, làm bất cứ việc gì. Câu nói chân lý thuộc về kẻ mạnh tuy rất vô lý nhưng là sự thật. Năm 1974 họ chiếm Hoàng Sa, bây giờ họ coi là của họ, lập thành phố Tam Sa, coi như chuyện đã rồi. Nước ta nhỏ bé hơn, yếu hơn, nên họ nghĩ muốn làm gì chúng ta cũng được.
Cho nên quan trọng nhất là xây dựng ý chí và tiềm lực của ta cho thật mạnh, đồng thời khôn ngoan, khéo léo, học theo tư tưởng, cách xử lý của Bác Hồ.
Về lâu dài, chiến lược thì VN với TQ vẫn là hai nước láng giềng, ở cạnh nhau là thiên định, ta không thể đưa TQ đi chỗ khác mà ta cũng không thể đưa mình đi chỗ khác.
Hòa bình giữa hai nước, trong đó Biển Đông, là lợi ích của nhiều nước. Lãnh đạo TQ đừng cậy nước mình lớn. Ngày xưa chủ nghĩa bá quyền Đại Hán được, chứ thế giới hôm nay khác xưa rồi, phải có tư duy mới.
C.Hoàng - H.Nhì - T.Lâm - Ảnh: Lê Anh Dũng
TOÀN CẢNH Phản đối TQ xâm phạm chủ quyền Việt Nam |