Vụ sửa điểm, gian dối nghiêm trọng trong Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học Quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình ngày càng lộ mặt, thách thức dư luận và làm xói mòn niềm tin của người dân.
Hàng trăm thí sinh ở Sơn La, Hòa Bình được sửa điểm để vào học đại học một cách gian lận có nghĩa, họ đã trắn trợn cướp chỗ, cướp cơ hội vào đời của hàng trăm thí sinh khác lẽ ra giờ đây đang ngồi trên giảng đường đại học. Đây là hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng.
Việc sửa điểm, gian lận trong Kỳ thi đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả của Kỳ thi và uy tín của ngành giáo dục, của nền giáo dục Việt Nam, tức là làm ảnh hưởng lớn tới danh dự, lợi ích của quốc gia.
Thủ phạm gây ra vụ việc và để lại hậu quả nghiêm trọng trên đây không chỉ những cán bộ trong các ngành giáo dục, công an Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang đã bị khởi tố bị can, mà còn có hàng trăm người khác.
Theo danh sách báo chí đã công bố, những người này toàn là cán bộ, công chức nhà nước, có nghĩa họ đã hoặc dùng quyền lực công vụ hoặc là dùng tiền hối lộ, chi phối việc sửa điểm cho con em mình.
Không công khai danh sách gian lận điểm thi là bao che, đồng lõa |
Ngay cả các thí sinh được sửa điểm cũng là những người không trung thực. Họ phải đánh dấu bài, phải thông đồng cùng đường dây sửa điểm nên họ cũng là những đồng phạm.
Có thí sinh có môn thi được sửa và nâng thêm trên 9 điểm; có thí sinh cả 3 môn thi được sửa và nâng thêm trên 26 điểm nhưng không có một ai tự giác thừa nhận hay phản ánh với cơ quan chức năng về sự bất thường này.
Không những vậy, theo Thượng tá, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Tổng hợp, Cục Đào tạo, Bộ Công an: “Có nhiều thí sinh trong vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình đã nhập học tại các trường Công an nhân dân.”
Như vậy, một bộ phận thí sinh được nâng điểm khi biết vụ việc đã bại lộ nhưng vẫn điềm nhiên vào học đại học ở các trường quân đội, công an.
Ở đó, những thí sinh này được bao cấp hoàn toàn từ cơm ăn, áo mặc, dày dép, sách vở, nhà ở, tài liệu, giấy bút, đồ dùng học tập, tiền phụ cấp và các chế độ đãi ngộ khác hơn nửa năm qua. Mỗi người mỗi tháng ngót hàng chục triệu đồng với số lượng hàng trăm người. Tất cả đều từ tiền đóng thuế của nhân dân.
Cho nên không thể nói những thí sinh được sửa điểm là vô can.
Những “sinh viên” đó đã cướp cơ hội học đại học, đồng nghĩa cướp tương lai của những thí sinh khác. Hơn nữa, những thí sinh được sửa điểm vào học các trường công an, quân đội mỗi người đã ăn gian của nhà nước ngót hàng trăm triệu đồng.
Bản chất và hệ lụy của việc sửa điểm để những thí sinh yếu kém về học lực ở Hòa Bình, Sơn La vào học đại học cho thấy, cả những người trực tiếp sửa điểm, cả các phụ huynh là cán bộ, công chức đã tác động, cả các thí sinh liên quan đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Họ đã vi phạm nghiêm trọng quy chế thi cử và quy chế tuyển sinh đại học; vi phạm quyền và lợi ích của người khác; đưa hối lộ, tham nhũng; vi phạm đạo đức xã hội.
Cho nên không thể không làm rõ ràng và cũng không thể không công khai, minh bạch trước công luận những người tham gia và đồng lõa trong vụ việc này.
Thật đáng bất bình khi một số quan chức Bộ Giáo dục & Đào tạo và lãnh đạo Sở Giáo dục & đào tạo Hòa Bình, Sơn La nói một cách đầy “nhân văn” đối với những thí sinh gian lận: “…chúng tôi muốn làm sao để tâm lý các em không bị đột ngột, không bị xáo trộn”; rằng “chúng ta không thể không tính đến những tác động tiêu cực đến các cháu”, và rằng “các em còn có cả một tương lai phía trước.”
Ông Mai Văn Chinh Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục & Đào tạo khẳng định: “Quan điểm của Bộ là không dung túng cho sai phạm, và xử lý đến cùng”.
Song thử hỏi, một khi đã có “lòng thương người”, “sự nhân văn” thì làm sao có thể xử lý sai phạm đến cùng? Thực hành “nhân văn” với ai đây, với những kẻ vi phạm pháp luật chăng?
Thể hiện “lòng thương” với các công chức, viên chức là phụ huynh liên quan chăng? Ưu ái hành vi của họ thì thực hành “nêu gương” với ai?
Xin hỏi, hàng trăm thí sinh bị đánh cắp cơ hội học đại học, đồng nghĩa bị đánh cắp tương lai sẽ được xử lý thế nào?
Xin hỏi, vụ gian lận này đánh động lương tri của bao nhiêu người tử tế, trung thực; làm xói mòn lòng tin của dân chúng thì ai sẽ trả giá? Sao lại có sự vô lý đến ngược đời như vậy?
Cho nên, nếu không công khai danh tính những thí sinh không trung thực; những phụ huynh gian dối dùng quyền lực hoặc tiền bạc, vật chất để tác động sửa điểm cho con là bao che, đồng lõa, khuyến khích các hành vi gian dối, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội.
Những kẻ sửa điểm gian dối, tham nhũng, móc ngoặc, vi phạm pháp luật, cướp đi cơ hội của bao nhiêu người khác như phải bị xử lý nghiêm minh, đúng luật pháp thì mới xác lập lại công bằng, lương tri và lấy lại niềm tin nơi dân chúng.
Nguyễn Huy Viện