- Nâng cao chất lượng của công tác tiếp nhận, giải quyết và phản hồi để làm sao những vấn đề báo chí nêu không rơi vào im lặng, quên lãng mà luôn luôn được các cơ quan tiếp thu, lắng nghe và phản hồi.

Giao ban báo chí đầu xuân sáng nay tại báo Nhân Dân, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng ghi nhận trong năm 2016, đòi hỏi cao của năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 12 của Đảng triển khai các nhiệm vụ đạt được kết quả cao, trong đó có đóng góp của báo chí.

{keywords}

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, 2017 là năm rất quan trọng đòi hỏi chúng ta quyết tâm cao tạo ra đột phá, đưa sự nghiệp phát triển đất nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

“Thời gian không chờ đợi, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nhiều, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến mới, phức tạp khó lường, gần như quyết định nào trên thế giới đều ảnh hưởng ít nhiều đến chúng ta”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nói.

Ông yêu cầu các cơ quan quản lý báo chí cũng như báo chí phải nâng cao chất lượng trong một số mặt.

Thứ nhất là nâng cao chất lượng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thông tin tuyên truyền. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo phối hợp như thế nào để chủ động kịp thời tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp.

“Chúng tôi tự đặt ra đòi hỏi này và phải nỗ lực cố gắng đầu tiên”, ông cho hay.

Thứ hai là nâng cao chất lượng trong phối hợp giữa cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và cơ quan hoạt động nghề nghiệp không chỉ trong định hướng, chỉ đạo mà cả trong khen thưởng, xử phạt.

Thứ ba, nâng cao chất lượng của công tác tiếp nhận, giải quyết và phản hồi các vấn đề báo chí nêu.

“Nếu Đảng, Nhà nước luôn luôn xác định báo chí là một lực lượng xung kích trong công tác tư tưởng của Đảng thì những vấn đề báo chí nêu luôn luôn có giá trị cho công tác lãnh đạo, quản lý của cơ quan Đảng, Nhà nước”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

{keywords}
Toàn cảnh giao ban báo chí

Theo ông, những vấn đề báo chí nêu trong năm được các cơ quan quản lý nhà nước tiếp thu, giải quyết, phản hồi ra sao trong hàng quý, 6 tháng hay 1 năm, cái gì báo chí làm tốt, phản ảnh tốt, đúng cần lắng nghe để giải quyết, phản hồi.

Hay những vấn đề gì báo chí nêu chưa làm được, chưa có kết quả thì cũng thông tin lại như thế nào. Làm sao những vấn đề báo chí nêu không rơi vào im lặng, quên lãng mà luôn luôn được các cơ quan tiếp thu, lắng nghe và phản hồi.

Thứ tư, nâng cao chất lượng phán quyết về đạo đức người làm báo của Hội Nhà báo VN. Những phán quyết có chất lượng của Hội sẽ góp phần nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người cầm bút.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng lưu ý phải nâng cao chất lượng của người phát ngôn và của việc cung cấp thông tin cho báo chí.

Đồng thời nâng cao chất lượng của công tác quản trị, tổ chức tòa soạn, phát triển của các tờ báo trong xu thế hiện nay đối với lãnh đạo cơ quan báo chí như thế nào.

Chất lượng của tác phẩm báo chí làm sao lay chuyển lòng người, tác động đến tâm tư tình cảm của con người, theo hướng cổ vũ việc tốt, khuyến cáo những sai trái cần tránh.

“Hôm tổng kết tôi có nói hạn chế tối đa việc bán sóng, bán kênh, bán măng sét. Vừa rồi người ta còn nói với tôi 1 ý nữa là bây giờ tinh vi lắm, còn bán trang, bán bài. Từ tiếng nói của Đảng, Nhà nước, nhân dân, của tổ chức chính trị xã hội đôi khi có những tờ báo biến mình thành công cụ PR cho cá nhân, DN, sản phẩm”, ông Võ Văn Thưởng chỉ ra.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, dưới góc nhìn của Nghị quyết TƯ 4, đôi khi chúng ta trở thành công cụ nào đó góp phần cho biểu hiện nào đó về mặt dân túy rất sai trái trong điều kiện hiện nay.

“Tôi nói điều đó để chúng ta tự suy nghĩ để làm sao khắc phục được”, ông nói và lưu ý người làm báo phải luôn luôn nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của những câu chữ mình viết ra, của những bài báo mình lựa chọn xuất bản và không ngừng học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp.

Hãy cổ vũ mạnh mẽ cho cái mới

Liên tưởng đến hình tượng con gà, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra 2 ý nhắn nhủ đến các nhà báo. Đó là con gà bao giờ cũng gáy sáng nhắc nhở mọi người thức khuya, dậy sớm, cần kiệm.

{keywords}

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phó Thủ tướng cho rằng, bây giờ có trên 250 chỉ tiêu thế giới đánh giá, cứ mỗi năm nhìn lại, nếu chúng ta không có nỗ lực, chắc chắn sẽ tụt hậu, các dân tộc khác đều rất nỗ lực, thế giới vươn lên không ngừng.

“Chúng ta không còn nguy cơ tụt hậu mà thực sự chúng ta đang ở sau, nếu không nỗ lực vượt bậc thì chúng ta mãi như thế này”, ông lưu ý và cho rằng cùng với sự nỗ lực phải làm sao thật tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách, trong xã hội.

Hình tượng thứ hai được Phó Thủ tướng gợi ra là con gà gáy sáng báo hiệu ngày mới hừng đông, tương lai gắn với suy nghĩ hãy cổ vũ mạnh mẽ cho cái mới.

Theo ông, chúng ta không nỗ lực thì dứt khoát không cải thiện được kinh tế. Nhưng nỗ lực rồi thì không thể không có trí tuệ, nhất định khơi dậy sáng tạo trong toàn xã hội, trong từng cá nhân.

“Đổi mới rất khó, có những thứ lâu ngày chúng ta tưởng là tốt, là hợp lý nên khi có ý kiến nêu ra khác đi và thường ban đầu là thiểu số, là khác biệt, lạ lẫm thì chúng ta nên cổ vũ để tiếp động lực để nó tự kiểm nghiệm trong thực tế, không nên làm ngược lại, chỉ phê phán một chiều”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Không bỏ qua cái xấu, không để cái tốt bị lãng quên

Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn cho hay, năm qua, trong làng báo có nhiều niềm vui và không ít nỗi buồn.

{keywords}

Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn

"Chúng ta hãy mang niềm vui sang năm mới và để lại nỗi buồn cho năm cũ. Phía trước là cuộc sống đang thôi thúc, chúng ta có nhiều việc phải làm và chắc chắn sẽ làm tốt hơn những gì đã làm trong năm cũ", Bộ trưởng bày tỏ.

Theo Bộ trưởng, sứ mệnh của người làm báo không chỉ là đem đến cho người dân những thông tin chân thực mà còn phải chú tâm nâng niu cái tốt, người tốt và lên án cái xấu, kẻ xấu.

Các nhà báo cần đến với những người tốt để nói về họ cho xã hội biết mà nâng niu, giúp Đảng, Nhà nước biết tài năng của họ mà trọng dụng. Lên án cái xấu, những kẻ xấu cũng là để bảo vệ người tốt, cái tốt.

Nếu không có báo chí thì đã và sẽ có biết bao những nhân tài bị che lấp, sẽ có biết bao người tốt bị lãng quên. Người tốt việc tốt có rất nhiều trong đất nước ta, dân tộc ta nhưng đáng tiếc là xuất hiện quá ít trên báo chí.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn mong sẽ có nhiều người tốt, nhiều việc tốt xuất hiện trên các trang báo, các chương trình phát thanh và truyền hình. “Không có cái xấu nào bị bỏ qua, bị phanh phui nhưng cũng không để cái tốt, gương sáng nào bị lãng quên”, Bộ trưởng Tuấn mạnh.

Thu Hằng - Ảnh: Đoàn Bổng